Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:20 (GMT +7)
Bộ GD-ĐT lên tiếng về môn Lịch sử trong chương trình THPT mới
Thứ 7, 23/04/2022 | 16:46:57 [GMT +7] A A
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông là thực hiện đúng yêu cầu đổi mới giáo dục và đã lấy ý kiến rộng rãi.
Trước một số ý kiến xung quanh vấn đề mLịch sử là môn lựa chọn ở cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ khiến học sinh không chọn Lịch sử, ngày 23/4, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin chính thức về vấn đề này.
Thực hiện đúng chỉ đạo
Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29) đã nêu rõ yêu cầu đối với chương trình giáo dục phổ thông mới “bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.”
Nghị quyết 29 cũng yêu cầu “xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn."
Thực hiện Nghị quyết 29, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88), quy định “giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm).
Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. “Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Ở cấp trung học phổ thông yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ.”
Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Quyết định 404), trong đó quy định: "Chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên. Ở các lớp học, cấp học dưới thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lý để tạo thành các môn học tích hợp. Thực hiện giảm hợp lý số môn học, tránh chồng chéo nội dung và những kiến thức không hoặc chưa cần thiết đối với học sinh. Ở cấp trung học phổ thông, ngoài các môn học bắt buộc chung, có các môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn.”
Đã lấy ý kiến rộng rãi, công khai
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay thực hiện chủ trương nói trên, đơn vị này đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến toàn dân từ ngày 12/4/2017 đến ngày 20/5/2017.
Ngoài ra, Dự thảo chương trình các môn học được được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến toàn dân từ ngày 19/01/2018 đến ngày 19/3/2018. Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân và ý kiến của chuyên gia ở trong và ngoài các Hội đồng thẩm định (Hội đồng thẩm định Chương trình tổng thể, các Hội đồng thẩm định chương trình môn học), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các tổ chức có liên quan. Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành kèm theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng đã quán triệt đầy đủ các quy định tại Nghị quyết 29, Nghị quyết 88, Quyết định 404, trong đó mỗi môn học có chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí khác nhau, cùng góp phần giáo dục học sinh trở thành những con người toàn diện có đủ tài, đức, công dân có ích cho xã hội.
Cụ thể, các môn khoa học tự nhiên, công nghệ, tin học bồi dưỡng những kiến thức về khoa học tự nhiên, rèn luyện tư duy, giúp học sinh có năng lực tiếp cận, hội nhập, làm chủ khoa học - kỹ thuật hiện đại. Các môn khoa học xã hội, nghệ thuật giúp học sinh thông hiểu về đời sống xã hội loài người, hiểu sự phát triển của xã hội loài người, hiểu các quy luật phát triển kinh tế, xã hội, triết lý, tư tưởng, lẽ sống… góp phần bồi dưỡng tâm hồn con người, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn đối với thế hệ trẻ.
Bộ Giáo dục cũng nhấn mạnh việc môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được điều chỉnh về nội dung và thời lượng để phù hợp với yêu cầu mới.
Phù hợp xu hướng quốc tế
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (được phân chia giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm) là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.
Bộ cũng nhấn mạnh việc 5 phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm được quán triệt giáo dục trong tất cả các môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nội dung dung giáo dục lịch sử nói riêng, giáo dục khoa học xã hội nói chung đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu (bản lĩnh, kết nối, cá tính, yêu thương) trong xu thế phát triển, đổi mới, sáng tạo của thời đại.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho hay năm 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học phổ thông, đơn vị này sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để có những biện pháp định hướng hỗ trợ học sinh chọn các tổ hợp môn học hợp lý, phù hợp với các điều kiện thực tiễn, phát huy hết được nhóm nhân lực nhà giáo dạy học môn Lịch sử.
Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường tuyên truyền để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và xã hội hiểu sâu hơn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhận thức đúng, sâu sắc hơn về nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình; trên cơ sở đó tổ chức triển khai hiệu quả, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục lịch sử bảo đảm đạt được mục tiêu của chương trình.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()