Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:41 (GMT +7)
Bộ Công Thương: Cung ứng điện đang rất khó khăn
Thứ 5, 18/05/2023 | 17:11:04 [GMT +7] A A
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện nay các hồ thủy điện trong tình trạng mức nước giảm mạnh, nhiều hồ xuống dưới mực nước chết gây khó khăn lớn đến việc vận hành cung ứng điện.
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 18/5, liên quan đến vấn đề cung ứng điện trong mùa nắng nóng, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực, cho biết hiện nay các hồ thủy điện trong tình trạng mức nước giảm, nhiều hồ xuống dưới mực nước chết gây khó khăn vận hành cung ứng điện.
"Bộ Công Thương dự đoán được những khó khăn và có nhiều văn chỉ đạo về vấn đề vận hành cung ứng nhiên liệu như than, khí cho phát điện. Trong tháng 5, Bộ cũng đã họp với các tập đoàn chỉ đạo và đang quyết liệt triển khai các giải pháp", ông Hòa nói.
Nỗ lực đảm bảo cung ứng điện
Lãnh đạo Cục điều tiết điện lực nhấn mạnh quan điểm của Bộ Công Thương là nỗ lực đảm bảo cung ứng điện, thực hiện nghiêm nhiệm vụ cung cấp than cho sản xuất điện. Các tập đoàn TKV và EVN nỗ lực phục vụ cung ứng và khẩn trương đàm phán cung ứng điện năng lượng tái tạo.
"Đến nay, Bộ Công Thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Theo đó, khi đáp ứng đầy đủ quy định các nhà máy này sẽ được huy động điện lên lưới điện quốc gia", ông nói.
Về vấn đề tăng giá điện 3%, ông Hòa cho biết việc tính toán để điều chỉnh giá bán lẻ điện căn cứ vào Quyết định 24 của Thủ tướng. Ông cho rằng mức tăng 3% là mức tăng thấp nhất, khi điều chỉnh cơ quan chức năng đã tính toán nhiều yếu tố trong đó hạn chế tác động thấp nhất đến kinh tế vĩ mô.
Về các kết luận của Thanh tra Chính phủ về Quy hoạch điện VII, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết hiện nay đã có kết luận, Bộ sẽ thực hiện theo đúng nội dung kết luận và quy định hiện hành.
Về hoạt động của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong bối cảnh nhà máy này gặp nhiều vấn đề về tài chính, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cho biết Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp như theo dõi tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân đầu mối để đảm bảo nguồn cung xăng dầu; theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới đảm bảo hài hòa giữa các chủ thể tham gia thị trường; chỉ đạo đầu mối xăng dầu thực hiện cung ứng đủ nguồn xăng dầu đã được phân giao, duy trì hoạt động bán hàng, chia sẻ lợi nhuận cho các đại lý hợp lý...
"Một đơn vị cung ứng 35-40% xăng dầu nhưng hoạt động không ổn định"
Chia sẻ thêm, lãnh đạo Vụ dầu khí than cho biết Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước chiếm 35-40%. Trong 4 tháng đầu năm, nhà máy này đã sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại và đến nay nhà máy vẫn hoạt động ổn định.
"Về vấn đề thiếu dòng tiền của nhà máy này, ngày 19/4, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và các bên liên doanh nước ngoài về vấn đề tái cấu trúc của Nghi Sơn. Theo đó, việc tái cấu trúc là vấn đề nội tại của doanh nghiệp, thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp. Đồng thời Bộ khẳng định, nhà máy Nghi Sơn và PVN, các bên liên doanh cần chủ động giải quyết khó khăn vướng mắc đảm bảo hoạt động hiệu quả", vị lãnh đạo nói.
Chia sẻ thêm, ông Đỗ Thắng Hải cho biết vấn đề giải quyết của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn là vấn đề nội tại của chính nhà máy này. Cái khó nhất là vấn đề nhà máy chiếm 35-40% thị phần nhưng trong quá trình hoạt động nhà máy có đến 35-40 ngày bảo dưỡng, chưa kể có rất nhiều trục trặc.
"Một đơn vị cung ứng 35-40% xăng dầu mà hoạt động không ổn định, trong khi về mặt cam kết chúng ta ưu tiên tiêu thụ việc sản xuất ở nhà máy này", ông nói và cho biết Bộ Công Thương luôn bám sát hoạt động của nhà máy này nhưng quyền chỉ ở mức độ nhất định.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()