Cơ quan cảnh sát điều tra đang tập trung làm rõ giá sách giáo khoa, những dấu hiệu lợi ích nhóm trong việc sản xuất, phát hành.
Thông tin được thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết tại buổi họp báo về công tác 6 tháng đầu năm, ngày 30/6.
Theo tướng Thành, nhiều năm qua tình trạng viết, in ấn, phát hành, giá... sách giáo khoa đã gây bức xúc rất lớn trong dư luận xã hội. Trong đó, giá sách cao hơn mức sống của người lao động, nhất là người lao động nghèo. Bộ Công an đã giao C03 vào cuộc điều tra.
"C03 đã xử lý việc in sách lậu, đang tập trung làm rõ tình trạng phát hành những loại sách giáo khoa, trong đó có những bộ sách tham khảo; điều tra về giá thành và các dấu hiệu lợi ích nhóm của Nhà xuất bản Giáo dục. Thông tin sẽ được cung cấp khi điều tra hoàn tất", ông Thành nói.
Trước đó, tháng 2/2023, ông Nguyễn Đức Thái (61 tuổi, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam); Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Trưởng ban Kế hoạch Marketing) bị Bộ Công an bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Đinh Quốc Khánh (cựu Phó ban Kế hoạch Marketing) và Tô Mỹ Ngọc (Chủ tịch HĐTV Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng) bị bắt với cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có vốn điều lệ 596 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%, cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2021, Nhà xuất bản in hơn 164 triệu cuốn sách giáo khoa, tổng doanh thu đạt 1.828 tỷ đồng, trong đó trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách; lãi sau thuế 287 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ xác định có nhiều "bất thường, chưa đảm bảo công bằng, hiệu quả kinh tế" khi lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa, theo phương thức chào hàng cạnh tranh. Cụ thể là, nhà xuất bản xác định nhu cầu sản xuất không sát thực tế nên lượng hàng tồn kho lớn (chủ yếu là giấy in). Việc này làm tăng chi phí lãi vay, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn. Đơn vị còn sử dụng giấy in định lượng thấp hơn định lượng giấy in sách thường theo Tiêu chuẩn quốc gia.
Ý kiến ()