Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:59 (GMT +7)
Bình Phước: “Lợi kép” khi doanh nghiệp vượt qua đại dịch
Thứ 2, 15/11/2021 | 14:44:14 [GMT +7] A A
Thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch và bảo vệ vững chắc tuyến biên giới, chăm lo, đảm bảo đời sống người dân là mục tiêu được huyện Bù Đốp đặt ra trong thời gian qua. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Bù Đốp đã đưa ra nhiều giải pháp kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp (DN) trụ vững trong đại dịch, góp phần tạo việc làm cho lao động tại chỗ cũng như đảm bảo kinh tế địa phương phát triển ổn định.
Tạo “sức đề kháng” cho doanh nghiệp…
Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền và ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động nên Cơ sở sản xuất điều Tin Hằng ở xã Thanh Hòa là một trong những cơ sở chế biến điều ở huyện Bù Đốp vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh xuyên suốt từ đầu đợt dịch đến nay. Đặc biệt, nhờ hoạt động liên tục nên cơ sở này đã không bị đứt gãy nguồn hàng cũng như đảm bảo các đơn hàng cho đối tác.
Theo ông Nguyễn Duy Tin, chủ Cơ sở sản xuất điều Tin Hằng, để đảm bảo hoạt động chế biến cũng như hoàn thành sản lượng phải giao cho các đối tác đã ký, cơ sở cần có lao động làm việc liên tục, đảm bảo xưởng hoạt động ổn định. Trong đợt dịch vừa rồi, cơ sở được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho công nhân của xưởng được tiêm vắc xin phòng Covid-19, tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch để đảm bảo sản xuất an toàn. Vì thế, những công nhân ở tại cơ sở hay về nhà đều cam kết thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế. Nhờ vậy, cơ sở được hoạt động thông suốt, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân. Từ trong đợt dịch đến nay, cơ sở vẫn đảm bảo 50 công nhân làm việc với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Được sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương, Cơ sở sản xuất điều Công Thành ở xã Thanh Hòa cũng hoạt động ổn định trong đợt dịch vừa qua. Cơ sở luôn tạo việc làm cho 30 lao động trên địa bàn với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Trần Thị Có, công nhân cơ sở điều Công Thành cho biết: Đi làm ở đây vừa có thu nhập ổn định kể cả trong đại dịch vừa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 với tôi là điều may mắn so với hàng ngàn người đang thất nghiệp hiện nay. Vào thời điểm cơ sở tạm nghỉ 2 tuần để phòng dịch thì vẫn có chế độ hỗ trợ thực phẩm và cho công nhân tạm ứng lương để trang trải cuộc sống.
…Là thêm động lực cho xã hội
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến nhiều DN, cơ sở chế biến điều trên địa bàn tỉnh phải đóng cửa, tạm ngưng sản xuất để phòng, chống dịch hoặc vì không còn khả năng để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Bù Đốp đa số các DN, cơ sở chế biến điều vẫn được duy trì hoạt động ổn định.
Ông Nguyễn Duy Tin, chủ Cơ sở sản xuất điều Tin Hằng cho biết: DN không thể tự đứng ra mua vắc xin tiêm cho công nhân, khi được chính quyền tạo điều kiện, cơ sở đã đáp lại sự quan tâm ấy bằng việc chung tay thực hiện tốt các chế độ đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Cơ sở chúng tôi đã ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 hơn 25 triệu đồng. Ngoài ra, khi có các phong trào, chương trình phát động về an sinh xã hội của địa phương, cơ sở đều tham gia ủng hộ.
Cũng được tạo điều kiện để hoạt động ổn định, ông Vũ Văn Lương, chủ Cơ sở sản xuất điều Công Thành chia sẻ: Các phong trào do xã, hội đoàn thể các cấp phát động tôi đều ủng hộ, của ít lòng nhiều để cùng địa phương chăm lo đời sống cho người khó khăn. Trong đợt dịch thứ 4 này, tôi đã ủng hộ hơn 20 triệu đồng cho quỹ vắc xin và nhân dân ở các vùng dịch. Đồng thời chăm lo tốt nhất đời sống của công nhân đang làm việc cho cơ sở để họ yên tâm lao động.
Hiện trên địa bàn ấp 4, xã Thanh Hòa đang có 8 DN hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 300 công nhân là lao động trong ấp. Số lao động làm việc tại 8 đơn vị này được địa phương tạo điều kiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 sớm để đủ điều kiện tham gia chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Chăm lo DN trụ vững trong đại dịch được xem là giải pháp hiệu quả để tạo “sức đề kháng” cho nền kinh tế, góp phần giảm gánh nặng đối với công tác an sinh xã hội, từ đó tạo ra nhiều sức mạnh cho xã hội vượt qua đại dịch.
Theo Ngọc Bích/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()