Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:26 (GMT +7)
Bình Phước - Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Thứ 2, 06/12/2021 | 16:14:10 [GMT +7] A A
Bình Phước là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược quan trọng, rất thuận lợi cho đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Là tỉnh có diện tích lớn nhất trong 19 tỉnh, thành phía Nam, Bình Phước có đường biên giới dài 258,939km, tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Ở vị trí ngã ba Đông Dương, Bình Phước có điều kiện giao thông thuận lợi với nhiều tuyến đường huyết mạch như: Quốc lộ 13 thông suốt từ TP. Hồ Chí Minh qua Bình Dương lên Bình Phước, đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Quốc lộ 14 kết nối các tỉnh Tây nguyên qua Bình Phước về TP. Hồ Chí Minh. Tuyến ĐT741 - Tân Vạn kết nối liên thông các khu công nghiệp với cảng biển Thị Vải, Cái Mép… Đặc biệt, từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đến Bình Phước chỉ mất 1 giờ 30 phút…
Mạng lưới giao thông kết nối liên vùng
Để tạo sự thông thương tốt nhất cho nhà đầu tư, Bình Phước đang chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Đắk Nông; dự án đường sắt Dĩ An - Hoa Lư; dự án quốc lộ 14C kết nối Đắk Nông với Bình Phước qua Tây Ninh, Long An và xây dựng cầu Mã Đà kết nối đi sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Các dự án này song song, kết nối với tuyến ĐT741, quốc lộ 13, 14 tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, gắn kết các tỉnh, thành trong khu vực và sang Vương quốc Campuchia. Bình Phước cũng đang tiếp tục triển khai xây dựng tuyến Đồng Phú - Bình Dương; nâng cấp các tuyến giao thông kết nối giữa vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ và giữa các khu, cụm công nghiệp với nhau. Cùng với đó là hệ thống bến bãi, cảng cạn, cầu vượt ở một số điểm kết nối giao thông. Tất cả sẽ tạo ra lợi thế lớn cho việc kết nối với các cảng biển nước sâu, sân bay và giao thương với các tỉnh, thuận lợi cho xuất - nhập khẩu hàng hóa trong vùng và các nước trong khu vực.
Bình Phước từ lâu đã là nơi đáng sống với không khí trong lành, ôn hòa, cuộc sống yên bình, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Bình Phước có dân số khoảng 1 triệu người, gần 60% dân số trong độ tuổi lao động. Người Bình Phước hài hòa, thân thiện, yêu lao động, khát khao làm giàu, có trình độ dân trí và tay nghề cao.
Ngoài 13 khu công nghiệp (KCN) hiện có với tổng diện tích gần 4.700 ha, trong đó có 6 KCN đã lấp đầy 100%; 7 KCN có tỷ lệ lấp đầy bình quân 38%. Dự kiến tỉnh sẽ mở mới 4 KCN với diện tích khoảng 10.000 ha, sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư. Mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 2 cụm công nghiệp và đến năm 2030, Bình Phước có 40 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.600 ha. Bình Phước có hơn 600.000 ha đất tự nhiên, trong đó 2/3 sản xuất nông nghiệp và có hơn 20 loại khoáng sản được khai thác. Tỉnh đang khuyến khích phát triển nông nghiệp và chăn nuôi theo hướng hiện đại, hình thành khu trung tâm nông nghiệp kỹ thuật cao của Việt Nam.
Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà tạo hóa ban tặng, cùng nét văn hóa đa dạng của 41 dân tộc cùng sinh sống, lại là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, vì thế cơ hội đầu tư vào du lịch sinh thái, du lịch về nguồn ở Bình Phước hứa hẹn đầy tiềm năng… Trong đó có 3 địa phương có cảnh thiên nhiên tươi đẹp nhất và là điểm đến rất đáng quan tâm của các nhà đầu tư.
Đồng Phú - Địa phương cửa ngõ với nhiều dư địa phát triển
Huyện Đồng Phú có tổng diện tích tự nhiên hơn 93.445 ha, bằng 13,63% diện tích tỉnh Bình Phước, bằng 0,28% diện tích toàn quốc. Đồng Phú có vị trí chiến lược quan trọng, có quốc lộ 14, đường liên tỉnh ĐT741 đi qua. Đây là những tuyến giao thông huyết mạch nối liền Đồng Phú với các tỉnh Tây nguyên và TP. Hồ Chí Minh, là cơ sở để Đồng Phú cùng với Chơn Thành và TP. Đồng Xoài trở thành những đầu tàu phát triển về công nghiệp, dịch vụ và thương mại của tỉnh.
Đồng Phú đang chuyển mình mạnh mẽ. Các ngành công nghiệp, dịch vụ và thương mại trên địa bàn huyện phát triển nhanh, mạnh; hạ tầng kỹ thuật về giao thông, điện đã được đầu tư đồng bộ, có tính kết nối. Đồng Phú hiện có 2 KCN và 4 cụm công nghiệp, thu hút hàng ngàn lao động mỗi năm. Theo định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Đồng Phú tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị, tạo tam giác phát triển Đồng Xoài - Đồng Phú - Chơn Thành và ưu tiên phát triển du lịch sinh thái 2 bên bờ Suối Giai.
Hồ Suối Giai thuộc địa phận xã Tân Lập với tổng diện tích mặt nước khoảng 420 ha, chiều dài 15,5km. Hồ được xây dựng từ năm 1978, sau khi có một con đập thủy lợi tích trữ và cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn.
Hồ có mặt nước trong xanh, đẹp và yên bình, nơi đây có một không gian xanh tự nhiên, mang vẻ đẹp hoang sơ, bầu không khí trong lành. Nước hồ luôn giữ ổn định cả trong mùa khô; xung quanh hồ không có nhiều dân cư sinh sống; bao quanh lòng hồ là những vườn cây xanh mát, tươi tốt tạo nên một khung cảnh thiên nhiên trữ tình, thơ mộng; nhiều động thực vật phong phú, với đủ loại cá, chim, kết thành từng thảm; khác biệt với vẻ náo nhiệt của TP. Hồ Chí Minh. Nét đẹp tự nhiên, trải dài của lòng hồ cùng với khí hậu có nền nhiệt cao, ít gió bão, không có mùa đông lạnh là tiềm năng, lợi thế để khai thác phát triển du lịch sinh thái, trở thành điểm đến hấp dẫn trong vùng Đông Nam bộ.
Đồng Xoài - Trung tâm kết nối trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
TP. Đồng Xoài nằm trên giao lộ giữa quốc lộ 14 và ĐT741. Đồng Xoài cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 101km, cách TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) khoảng 198km, có tổng diện tích tự nhiên 16.771 ha với quy mô dân số trên 120.000 dân, dự kiến dân số đô thị đến năm 2030 là 250.000 dân.
Thành phố Đồng Xoài (đô thị loại II), là đầu mối giao thương quan trọng kết nối với Tây nguyên; là trung tâm cấp vùng về thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục và đào tạo phía Đông Bắc của TP. Hồ Chí Minh. Phía Bắc TP. Đồng Xoài có tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối khu vực Tây nguyên với Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Xoài có hồ nước ngọt tuyệt đẹp và yên bình - Hồ suối Cam. Hiện thành phố đã xây dựng quy hoạch khu vực mặt nước dọc theo hồ để mời gọi đầu tư với diện tích hơn 974 ha, trong đó có khoảng 524 thửa đất của các hộ dân chủ yếu là đất trồng cao su và điều; đất khu vực mặt hồ, suối khoảng hơn 300 ha.
Hồ suối Cam nằm giữa tuyến quốc lộ 14 và đường cao tốc Hồ Chí Minh - Đắk Nông, cách quốc lộ 14 khoảng 300m. Hồ được định hướng quy hoạch gồm khu nhà ở cao cấp, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng bám theo trục cảnh quan cây xanh - mặt nước Sông Bé và hồ Phước Hòa. Giáp với khu vực mặt nước dọc theo Suối Cam là khu vực đất dự trữ bám hồ Phước Hòa và dòng sông Bé, cùng với khu vực đất dự trữ giáp các đô thị hiện hữu của thành phố Đồng Xoài đầy tiềm năng.
Phước Long - đô thị nhiều tiềm năng du lịch
Phước Long có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng. Thị xã nằm trên 2 tỉnh lộ: ĐT741 kết nối TP. Đồng Xoài và huyện Bù Gia Mập; đường ĐT759 kết nối với quốc lộ 14 đi các tỉnh Tây nguyên và lưu thông hàng hóa với Campuchia. Phước Long có diện tích tự nhiên 119,38km2, bằng 1,74 % diện tích tỉnh Bình Phước và bằng 0,036% diện tích toàn quốc. Dân số 61.000 người.
Thị xã Phước Long có điều kiện thuận lợi để trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái đặc sản, là tiền đề quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu. Trung tâm hành chính và khu đô thị mới thị xã Phước Long được đầu tư, đưa vào hoạt động đã mang lại diện mạo mới khang trang, hiện đại hơn cho thị xã.
Theo định hướng phát triển của tỉnh, TX. Phước Long là một trong những địa phương trọng điểm phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái bởi Phước Long có hồ Thác Mơ rộng lớn, có núi Bà Rá linh thiêng cao 723m so với mực nước biển, có địa hình tương đối dốc và chia cắt mạnh. Xung quanh chân núi địa hình bằng phẳng là điều kiện để tạo lập hệ thống công trình dịch vụ hỗ trợ tạo nên một quần thể thống nhất.
Núi Bà Rá là một trong 3 ngọn núi cao và hùng vĩ nhất khu vực Đông Nam bộ. Bà Rá là nơi ghi dấu nhiều chiến tích anh dũng kiên cường, có nhiều giai thoại gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng. Tại đây, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là căn cứ địa cách mạng vững chắc. Núi Bà Rá là một thắng cảnh đẹp, nổi tiếng, nơi đây hằng năm đều diễn ra Giải Việt dã leo núi toàn quốc “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá”. Núi Bà Rá có dòng sông Bé uốn quanh, có thác Mẹ, thác Mơ, rừng cây với hệ thực vật đa dạng, phong phú được xếp vào hệ thống rừng đặc chủng của cả nước.
Khu du lịch núi Bà Rá đã được quy hoạch với tổng diện tích hơn 1.200 ha, trong đó, phần rừng đặc dụng núi Bà Rá hơn 854 ha. Dự án khu du lịch núi Bà Rá được quy hoạch gắn với Khu du lịch sinh thái, giải trí hồ Thác Mơ có tổng diện tích quy hoạch 331,3 ha.
Với điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi, không gian thiên nhiên tuyệt đẹp, Bình Phước đang trở thành nơi đáng sống, làm việc, học tập và là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư.
Theo Minh Nhâm - Chí Cương - Tiến Dũng - Diệu Hiền/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()