Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:39 (GMT +7)
Bình Phước: “Chìa khóa” để nông nghiệp vươn xa
Thứ 5, 24/02/2022 | 12:22:40 [GMT +7] A A
“Giá cả nông sản Việt Nam mình bấp bênh lắm, không có gì ổn định. Người nông dân cứ theo trào lưu, thấy cây gì có giá là chuyển đổi thôi, thấy cái gì có lợi nhuận là làm theo chứ không có gì ràng buộc”. Đó là những lời giải thích của nhà nông Lê Trọng Tuân khi ông không ngần ngại chặt bỏ những cây cao su 11 năm tuổi để thay thế bằng cây sầu riêng. Đây đã là loại cây thứ 3 mà ông chọn trồng trong vườn của mình ở thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập.
Chính thực tế này đã dẫn đến câu chuyện giải cứu nông sản lặp đi lặp lại như một điệp khúc buồn, không chỉ ẩn chứa sự bất lực của người nông dân mà còn thể hiện rõ sự loay hoay của cả ngành nông nghiệp. Dựa vào đâu để nông nghiệp khởi sắc hơn, đời sống người nông dân thịnh vượng hơn?
Đầu tiên là đổi mới tư duy
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã từng phát biểu “nông sản không phải để giải cứu, mà là sản phẩm để nâng niu”. Đó là sự đau đáu khát vọng nâng tầm giá trị nông sản Việt của tư lệnh ngành nông nghiệp. Điều này xuất phát từ thực tế, nước ta có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng đời sống của phần đông người nông dân vẫn chưa thể bứt phá từ nông nghiệp; chưa định vị được sản phẩm “sản xuất tại Việt Nam” trên thị trường quốc tế. Vô hình trung, đây là một sự lãng phí cơ hội.
Là tỉnh có lợi thế phát triển nông nghiệp, nên “Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050” đã xác định công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ là 3 lĩnh vực ưu tiên phát triển, tạo đà vững chắc để hiện thực hóa khát vọng đưa Bình Phước bứt phá vươn lên mạnh mẽ. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu, xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước cho rằng, chúng ta phải thay đổi tư duy về cách phát triển nông nghiệp - đó là phải “công nghiệp hóa nông nghiệp”.
Tương tự, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nông dân Bình Phước vẫn sẽ tiếp tục trồng điều, hồ tiêu, cao su, nhưng phải làm theo cách mới. Trong đó, “chìa khóa” chính là phát triển nông nghiệp gắn với chế biến sâu, xây dựng thương hiệu để “mở cánh cửa” bước ra thị trường thế giới.
Xây dựng thương hiệu từ tình yêu Bình Phước
25 năm qua, ngành nông nghiệp Bình Phước đã tiến một bước dài với diện tích, giá trị các loại cây công nghiệp, cây ăn trái có giá trị tăng thêm; xuất hiện nhiều loại cây trồng mới được canh tác theo chuẩn VietGap, GlobalGap; nhiều sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí của các thị trường khó tính nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới - giá trị mới cho nông nghiệp. Cùng với đó là một hành trình dài với sự chuẩn bị cẩn thận đến từng chi tiết của những doanh nhân Bình Phước để mang thương hiệu địa phương vượt khỏi tầm quốc gia.
Quyết định khởi nghiệp khi đã 40 tuổi từ mặt hàng than gáo dừa xuất khẩu, với nhiều người đó là sự liều lĩnh, nhưng với doanh nhân Nguyễn Thị Cẩm Hằng, đó là sự khởi đầu cho khát vọng vươn xa. Bắt đầu từ một phân xưởng nhỏ ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) để sản xuất than sạch từ nguồn phế liệu nông sản gáo dừa vào năm 2014, đến năm 2019, nhận thấy rõ tiềm năng của thị trường, chị Hằng quyết định mở Công ty Highland BP Co., LTD với nhà máy có tổng diện tích 11.000m2 tại xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, công suất 15 tấn thành phẩm/ngày đêm. Ngay từ khi thành lập, chị Hằng đã chú ý bắt tay thực hiện việc chuyển đổi số - xây dựng và quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số, giúp chủ động tìm kiếm khách hàng và định vị thương hiệu của mình.
Doanh nhân Cẩm Hằng bày tỏ: “Mỗi khi đi công tác nước ngoài, nhìn thấy sản phẩm của mình bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiêu dùng, trong tôi dâng lên niềm tự hào khó tả. Niềm tự hào dân tộc cũng là động lực thôi thúc tôi đổi mới, làm cho sản phẩm của mình ngày càng hoàn thiện hơn, xuất khẩu đi nhiều nước hơn. Trước đây, xuất khẩu chủ yếu là thị trường Trung Đông hoặc châu Âu, bây giờ tôi có thêm khách hàng Mỹ, Nam Mỹ…”.
Hành động để vươn xa
Vai trò của nông nghiệp sẽ được nâng lên đến mức tối đa; giá trị của sản phẩm nông nghiệp sẽ được tối ưu khi gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc. Không dễ dàng để người nông dân thay đổi thói quen, nhưng đã đến lúc nông nghiệp phải hướng đến chất lượng chứ không còn là số lượng, để không còn cảnh giải cứu như tư lệnh ngành nông nghiệp đã đề cập.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định rõ, để Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, một trong những nhiệm vụ quan trọng là cơ cấu lại nền kinh tế, lựa chọn ngành, lĩnh vực trọng tâm để phát triển cả về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Đối với ngành nông nghiệp, thực hiện việc phát triển gắn với phát triển nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Với thế mạnh đất nông nghiệp chiếm trên 64% diện tích cả tỉnh, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25% cơ cấu kinh tế, Bình Phước xác định sẽ trở thành vùng nguyên liệu an toàn - bền vững thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo ra các sản phẩm chất lượng để xuất khẩu.
“Ngành nông nghiệp của tỉnh đã xác định hướng đi hiệu quả, bền vững, dựa trên trụ cột nông nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi đang tham mưu xây dựng một số đề án, chương trình, nếu được phê duyệt, triển khai sẽ tạo cho ngành nông nghiệp có sự đột phá rất lớn. Đó là tiếp tục tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2030; tiếp tục sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu, hướng đến xuất khẩu; tiếp tục phát triển các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nếu có điều kiện xây dựng vùng an toàn sinh học; phát triển các hệ thống thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch…” - ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ định hướng.
Trên hành trình xây dựng vị thế, nâng tầm giá trị của mình, nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, chế biến - xuất khẩu và chuyển đổi số sẽ khơi dậy hết tiềm năng, thế mạnh để vươn xa. Đó là động lực tăng trưởng của nông nghiệp trong giai đoạn cách mạng 4.0, như Đại hội XIII của Đảng đã mở ra một hướng đi mới với mục tiêu chiến lược: “Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh”.
Theo Phạm Thanh / Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()