Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:15 (GMT +7)
Bình Liêu: Phát triển các sản phẩm du lịch mới
Chủ nhật, 11/08/2024 | 15:30:35 [GMT +7] A A
Cùng với việc quan tâm đầu tư hạ tầng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, một trong những định hướng chiến lược được Bình Liêu tập trung là xây dựng các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó, phát huy tiềm năng du lịch bốn mùa, tiếp tục tạo sức hút và sức cạnh tranh mạnh mẽ của du lịch địa phương.
Đầu năm 2024, Bình Liêu đã đăng ký với tỉnh phát triển 2 sản phẩm du lịch mới. Trong đó, với sản phẩm du lịch đi bộ xuyên rừng, du khách sẽ đi bộ theo lối mòn qua các rừng hồi, quế, rừng trúc và rừng tự nhiên, qua các bản làng của bà con dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Còn sản phẩm du lịch thể thao bóng đá nữ gắn với hình ảnh người phụ nữ dân tộc Sán Chỉ xã Húc Động trong trang phục truyền thống (áo xanh, váy đen, đầu đội mấn).
Ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Các sản phẩm du lịch mới này, đều là những hoạt động độc đáo đã diễn ra thời gian qua tại Bình Liêu, nhận được sự yêu thích đặc biệt của du khách. Vì vậy, Bình Liêu tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung khai thác, phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ, định hướng nâng tầm thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu giao lưu, tìm hiểu, trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa của du khách khi đến với Bình Liêu một cách thường xuyên hơn thay vì chỉ tập trung vào thời điểm diễn ra các ngày hội, lễ hội truyền thống như trước. Từ đây, nhằm gia tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách, khai thác tối đa tiềm năng du lịch bốn mùa của địa phương.
Vừa qua, UBND huyện Bình Liêu tiếp tục định hướng phát triển một số sản phẩm du lịch mới trên địa bàn theo đề xuất của Công ty TNHH Du lịch cộng đồng Bình Liêu, gồm: Sản phẩm dịch vụ lưu trú homestay mô hình nhà đất nện truyền thống (thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn); sản phẩm du lịch đi bộ trải nghiệm đường rừng (khu vực các thôn Sông Moóc, Khe Tiền thuộc xã Đồng Văn) và sản phẩm du lịch chèo thuyền kayak (trên sông Tiên Yên đoạn qua huyện Bình Liêu, từ xã Đồng Tâm tới xã Vô Ngại). Theo đó, ngoài sản phẩm trải nghiệm đường rừng nằm trong chương trình phát triển sản phẩm du lịch tỉnh năm 2024 thì 2 sản phẩm dịch vụ lưu trú homestay mô hình nhà đất nện truyền thống và chèo thuyền kayak lần đầu tiên được triển khai tại Bình Liêu.
Ông Hà Đông Minh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch cộng đồng Bình Liêu, cho biết: Mô hình homestay nhà đất nện truyền thống hiện do gia đình anh Dường Phúc Thím (thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn) triển khai xây dựng. Dự kiến, đến trước khi Hội Mùa vàng năm 2024 diễn ra, homestay sẽ hoàn thiện và đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục phối hợp với địa phương vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng thêm các homestay nhà đất nện truyền thống cũng như phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch trải nghiệm văn hóa phù hợp. Chúng tôi kỳ vọng sẽ mang đến cho du khách một không gian trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa bản địa đặc sắc khi du khách có thể cùng ăn, ở, sinh hoạt, lao động, tìm hiểu nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.
Anh Dường Phúc Thím (thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn) chia sẻ: Gia đình tôi là hộ dân đầu tiên ở Đồng Văn thực hiện xây dựng 2 căn homestay nhà đất nện truyền thống bằng công nghệ mới. Vừa qua, chúng tôi cũng đã đón đoàn khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm quá trình xây nhà, du khách rất hào hứng, yêu thích. Du khách đến Bình Liêu bởi yêu nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây. Vì vậy, tôi muốn homestay của mình phải mang dấu ấn, thật sự như ngôi nhà truyền thống ấm cúng của người Dao. Đây cũng là nỗ lực, tâm huyết của tôi để cùng địa phương chung tay bảo tồn những ngôi nhà cổ, xây dựng những bản văn hóa của đồng bào Tày, Dao, Sán Chỉ phục vụ phát triển du lịch.
Để các sản phẩm này sớm đưa vào khai thác hiệu quả, Bình Liêu đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, hướng dẫn, vận động người dân tham gia phát triển các sản phẩm du lịch mới gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cùng với đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, nghiệp vụ du lịch cho người dân; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, thực hiện các thủ tục, hướng dẫn, gỡ khó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các sản phẩm du lịch đảm bảo quy định của pháp luật… Qua đó, tiếp tục đưa du lịch Bình Liêu phát triển mạnh mẽ, góp phần hoàn thành mục tiêu đón 250.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 243 tỷ đồng trong năm 2024.
Liên kết website
Ý kiến ()