Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:36 (GMT +7)
Bình Liêu: Phát triển kinh tế rừng hiệu quả
Chủ nhật, 13/02/2022 | 14:44:16 [GMT +7] A A
Tăng cường quản lý sử dụng, bảo vệ rừng tự nhiên; đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn và cây trồng lâm nghiệp mới cho năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện lập địa của địa phương; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế rừng hiệu quả… Đó là những giải pháp mà huyện Bình Liêu đã và đang thực hiện để từng bước đưa kinh tế rừng phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.
Bình Liêu là một trong những địa phương có tỷ lệ bao phủ rừng lớn của Quảng Ninh, với 18.000ha rừng phòng hộ, 22.000ha rừng sản xuất, chiếm trên 87% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Đặc biệt, qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030”, Huyện ủy và UBND huyện đã luôn chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đảm bảo độ che phủ rừng duy trì đạt 67,37%, chất lượng rừng có bước cải thiện đáng kể.
Theo đó, trong 2 năm qua, toàn huyện đã thực hiện trồng được 23.309 cây phân tán, chủng loại cây trồng gồm: Cây hồi, sở, đào, giổi và cây bóng mát. Về trồng rừng tập trung đã thực hiện được 1.336,67ha, trong đó, rừng phòng hộ (trồng rừng thay thế) đạt 194,97ha, rừng sản xuất đạt 1.141,7ha với chủng loại cây trồng chủ yếu là keo, thông, sở, quế. Cùng với đó, thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, 2 năm qua toàn huyện đã thực hiện khoán bảo vệ được 6.171,3ha.
Nhờ vào việc đẩy mạnh mở rộng diện tích rừng cùng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh và huyện, người dân địa phương đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ rừng, tích cực tham gia sản xuất lâm nghiệp với những mô hình hiệu quả, mang lại thu nhập cao. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, thu nhập từ rừng đã giúp hằng trăm hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Không chỉ trồng, khai thác sản lượng lâm sản đơn thuần, nhiều hộ dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chế biến lâm sản, sản xuất sản phẩm OCOP Bình Liêu như dầu sở, các loại tinh dầu tự nhiên hồi, quế... Đồng thời, gắn phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, tiêu biểu Hội hoa Sở được tổ chức lần đầu năm 2015 đến nay đã khẳng định thương hiệu du lịch đặc trưng riêng có ở Bình Liêu.
Chị Loan Thị Thúy, thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm, chia sẻ: Gia đình tôi hiện có trên 1ha rừng sở, mỗi năm cho thu hoạch trung bình từ 2-2,5 tấn hạt sở bán cho các cơ sở thu mua ép dầu sở xuất bán sang Trung Quốc, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Song nhận thấy tiềm năng phát triển rừng sở gắn với du lịch rất lớn, năm 2021 chúng tôi đã xây dựng homestay Hoa sở ngay tại rừng sở thôn Đồng Long. Mặc dù mới đi vào hoạt động song homestay đã thu hút khá đông du khách bởi vị trí, không gian đặc sắc, hứa hẹn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, du lịch mở cửa trở lại vào năm 2022.
Triển khai Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, và các kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND tỉnh và UBND huyện Bình Liêu, năm 2022, toàn huyện phấn đấu thực hiện trồng ít nhất 24.000 cây phân tán; trồng rừng tập trung đạt 700ha, trong đó trồng rừng gỗ lớn lim, giổi, lát là 200ha. Mới đây, trong dịp tổ chức phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" đầu xuân mới Nhâm Dần 2022, toàn huyện đã trồng mới trên 6.000 cây xanh, đảm bảo đạt kế hoạch tỉnh giao.
Đồng chí Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu phát triển rừng trong năm 2022, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của toàn hệ thống chính trị và của người dân về trách nhiệm bảo vệ rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo diện tích rừng giao khoán được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các cá nhân được giao rừng và chính quyền địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng và xử lý các vi phạm ngay từ ban đầu, không để các vi phạm kéo dài, phức tạp. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất lâm nghiệp bền vững, tăng thu hút đầu tư cho phát triển lâm nghiệp.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()