Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:26 (GMT +7)
Bình Liêu: Phát triển các nông sản chủ lực
Thứ 4, 31/05/2023 | 09:16:56 [GMT +7] A A
Phát huy những lợi thế của địa phương, huyện Bình Liêu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP, phát triển các nông sản chủ lực thành các sản phẩm OCOP gắn sao.
HTX Thảo mộc Tuệ Lâm (thôn Nà Cắp, xã Vô Ngại) chuyên sản xuất các sản phẩm tinh dầu chất lượng cao 100% nguyên chất, có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên với nguồn nguyên liệu thiên nhiên tại địa phương như hồi, quế, bưởi, sả... Nhận thấy bã hồi, quế sau chưng cất vẫn còn mùi thơm do còn một lượng nhỏ tinh dầu, năm 2020 được tỉnh và huyện hỗ trợ về máy móc, công nghệ, HTX đã nghiên cứu, tận dụng bã hồi, quế kết hợp với các loại thảo mộc địa phương để sản xuất hương bài, hương quế, nụ bài, nụ quế, sản lượng khoảng 200.000 túi, hộp.../năm. Đến nay HTX có 10 sản phẩm tham gia chương trình OCOP; trong đó 6 sản phẩm đạt 3 sao là tinh dầu quế, tinh dầu hồi, tinh dầu bưởi, tinh dầu sả, hương bài, hương quế.
Ông Đỗ Đức Uyên, Giám đốc HTX Thảo mộc Tuệ Lâm, cho biết: Năm 2023 HTX sẽ tham gia đánh giá, phân hạng để gắn sao cho 2 sản phẩm nụ bài và nụ quế; phát triển thêm kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và mở rộng hệ thống đại lý để tiếp cận khách hàng trong nước.
Năm 2013 bắt đầu triển khai chương trình OCOP, huyện chỉ có 4 sản phẩm: Tinh dầu hồi, mật ong Bình Liêu, trà Lan kim tuyến, rượu thảo dược Lục Hồn, đều đóng gói rất sơ sài, sản xuất thủ công, chưa được người tiêu dùng biết đến. Triển khai chương trình OCOP, huyện thành lập Ban Điều hành chương trình gồm 21 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách chương trình xây dựng NTM trực tiếp chỉ đạo điều hành. Hằng năm huyện đều bố trí ngân sách địa phương kết hợp với ngân sách tỉnh hỗ trợ các đơn vị tổ chức tham gia chương trình. Giai đoạn 2016-2022, huyện đã hỗ trợ 22 lượt doanh nghiệp, HTX có sản phẩm tham gia chương trình với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, tạo điều kiện để các đơn vị đầu tư cơ sở sản xuất, trang thiết bị máy móc, nhà lưới, nhà xưởng, hệ thống bảo vệ môi trường.
Huyện quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân và cán bộ phụ trách chương trình tham gia các lớp đào tạo, tập huấn do các ban, ngành của tỉnh tổ chức; xây dựng kế hoạch, thành lập Ban tổ chức, Hội đồng chấm sản phẩm dự thi hằng năm, nhằm tuyển chọn các sản phẩm đạt 3 sao cấp huyện để dự thi cấp tỉnh...
Nhờ đó chương trình OCOP của huyện đã đạt kết quả tích cực. Các đơn vị tham gia chương trình đã có ý thức nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; các hình thức tổ chức sản xuất ngày càng phát triển; có nhiều HTX mới được thành lập, từng bước trưởng thành, phát huy hiệu quả thực chất. Đến nay có 13 tổ chức tham gia OCOP với 28 sản phẩm; trong đó có 12 sản phẩm đạt từ 3-4 sao. Các đơn vị đã đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; chủ động đăng tải sản phẩm lên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok, sàn thương mại điện tử VN Check, postmart, voso.com
Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, tập trung; nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để huyện sớm về đích NTM. Năm 2023 huyện phấn đấu phát triển mới ít nhất 2 sản phẩm, thêm 3 sản phẩm mới đạt từ 3 sao trở lên, 1 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao để tham gia dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()