Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:45 (GMT +7)
Bình Liêu phát huy giá trị truyền thống
Chủ nhật, 07/04/2024 | 09:25:25 [GMT +7] A A
Những năm qua, huyện Bình Liêu đã quan tâm nhiều đến việc phục dựng, duy trì tổ chức thường niên các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Huyện Bình Liêu có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, bên cạnh những nét chung về văn hóa cộng đồng, mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa đặc trưng riêng biệt tạo nên kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, các lễ hội truyền thống là những di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc của Bình Liêu.
Các lễ hội truyền thống được tổ chức với phần lễ trang nghiêm và phần hội sôi nổi, đặc sắc cùng nhiều hoạt động đa dạng theo truyền thống của người dân bản địa đã thu hút đông đảo người dân và du khách. Nổi bật như: Lễ hội đình Lục Nà, xã Lục Hồn (diễn ra trong 2 ngày 16 và 17 tháng Giêng), Hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ (diễn ra ngày 16/3 âm lịch) và Ngày hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán (diễn ra vào ngày 4/4 âm lịch) chứa đựng những giá trị văn hóa - lịch sử bất biến theo thời gian.
Cứ mỗi dịp đầu xuân mới, huyện Bình Liêu lại tổ chức Lễ hội đình Lục Nà. Lễ hội truyền thống này đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc, đi sâu vào đời sống tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ gồm các hoạt động rước sắc phong bài vị Thành hoàng Hoàng Cần đi một vòng quanh thôn Bản Cáu, khai trống mở hội, dâng hương, lễ tế thần... Phần hội gồm các trò chơi dân gian như: Tung còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, giao lưu hát then - đàn tính giữa huyện Bình Liêu và các địa phương có phong trào hát then, đàn tính phát triển của các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn.
Thực tế, Lễ hội đình Lục Nà hiện tại đã được cố gắng phục dựng từ các nguồn tư liệu, từ trí nhớ của những người già, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng ngày càng cao và nhu cầu tham quan, tham dự vào các lễ hội của du khách. Tuy nhiên, vì có một thời gian đứt quãng nên rất nhiều yếu tố trong nghi lễ sau khi được phục hồi đã không còn giữ được nguyên gốc. Sau khi đình được phục dựng xong năm 2016, nghi lễ tế tại đình ngày 16 tháng Giêng, thể theo nguyện vọng được chứng kiến lại nghi lễ tế nguyên gốc của nhân dân, UBND huyện Bình Liêu đã chỉ đạo khôi phục nghi lễ tế đình của dân tộc Tày, đáp ứng nhu cầu thực hành văn hóa chính đáng của chủ thể lễ hội, trả lại nguyên gốc hoạt động tế lễ truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào từ bao đời nay. Đó cũng là cách tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, riêng có của địa phương.
Bà Vi Thị Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, cho biết: Lễ hội đình Lục Nà giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi đây, không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc mà còn giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống quê hương cách mạng cho thế hệ trẻ. Đồng thời quảng bá, giới thiệu về mảnh đất Bình Liêu cũng như bảo tồn, tôn tạo lễ hội văn hóa truyền thống, đặc biệt là của các dân tộc thiểu số vùng cao, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân địa phương.
Bên cạnh các lễ hội truyền thống còn có lễ hội hiện đại mới được tổ chức trong những năm gần đây là Hội Hoa sở. Từ năm 2015 đến nay, Hội Hoa sở Bình Liêu được tổ chức vào dịp cuối năm, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đã trở thành sự kiện văn hóa, du lịch thường niên nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp, giá trị của hoa sở và các sản phẩm từ cây sở gắn với những nét đẹp văn hóa bản sắc đặc trưng của vùng đất Bình Liêu tươi đẹp. Đồng thời, Hội Hoa sở cũng góp phần thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc, thế mạnh của du lịch Bình Liêu.
Lễ hội là không gian văn hoá để trình diễn các diễn xướng dân gian, các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian, thi đấu và biểu diễn thể thao dân tộc đặc sắc. Ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: "Những hoạt động lễ hội đầu xuân của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện luôn diễn ra sôi nổi với các làn điệu hát then của người Tày, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát pả dung của người Dao, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, gắn kết tình làng nghĩa xóm, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ biết gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc mình để xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc”.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()