Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:02 (GMT +7)
Bình Liêu: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Thứ 4, 19/06/2024 | 10:54:43 [GMT +7] A A
Xác định phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược, những năm qua, huyện Bình Liêu đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện công tác này nhằm góp phần tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển KT-XH, đưa địa phương phát triển bền vững.
Nhằm ưu tiên mọi nguồn lực tốt nhất cho sự phát triển con người, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Bình Liêu đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bình Liêu là một trong số ít địa phương của tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/HU ngày 16/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đồng chí Vi Tiến Vượng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, cho biết: Bám sát các mục tiêu Nghị quyết 05-NQ/HU đề ra, ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với ngành Xây dựng triển khai kế hoạch, giải pháp cụ thể và thực hiện sơ kết, đánh giá kết quả hằng năm. Cùng với đó, sự quan tâm của tỉnh trong việc hỗ trợ nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ với các trường học chất lượng cao như Trường THPT Bình Liêu, Tiểu học Tình Húc... đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học tại địa phương. Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến tích cực. Nổi bật, năm học 2023-2024, Bình Liêu có 52/84 học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THCS 2024 đoạt giải, trong đó có 43 học sinh DTTS. Với kết quả này, Bình Liêu là địa phương đạt tỷ lệ học sinh giỏi cao nhất toàn tỉnh 61,9%.
Hết năm 2023, toàn ngành Giáo dục huyện Bình Liêu (tính cả cấp THPT) có 95% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 23,3% đạt trên chuẩn, 100% cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, lý luận chính trị. 24/24 cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 7/24 trường đạt chuẩn mức độ 2, chiếm 29,16%.
Công tác phổ cập xóa mù chữ được quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả, tỷ lệ người từ 15-60 tuổi biết chữ mức độ 1 là 21.705/21.909, đạt 99,07% (tăng 0,97% so năm 2019). Thêm vào đó, việc thực hiện chế độ, chính sách của tỉnh đối với giáo viên và học sinh DTTS được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho học sinh DTTS phát triển toàn diện.
Cùng với đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Hằng năm, huyện phối hợp với các đơn vị dạy nghề triển khai các nội dung giảng dạy phù hợp với đối tượng, đặc thù của lao động địa phương. Giai đoạn 2019-2023, toàn huyện đã mở 38 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, thu hút 759 học viên tham gia. Từ đây, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung toàn huyện từ 62,03% đầu năm 2019 lên 84,04% vào cuối năm 2023, trong đó số có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 28,0% lên 48,93% vào cuối năm 2023. Phấn đấu đến năm 2025, lao động trong độ tuổi qua đào tạo nghề đạt 87,5%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 52%.
Với mục tiêu xây dựng, phát triển đồng bộ cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chất lượng đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 3523/KH-UBND ngày 27/10/2021 về “Đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC huyện Bình Liêu giai đoạn 2021-2025”. Trên cơ sở đó, hằng năm huyện đều xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCCVC cấp huyện, cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia các lớp nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ… Từ năm 2019 đến nay, huyện đã mở 70 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn với 4.598 học viên; cử 1.107 lượt CBCCVC đi đào tạo, bồi dưỡng.
Bằng những giải pháp đồng bộ, thiết thực, công tác phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới của huyện Bình Liêu đang đạt những kết quả tích cực, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()