Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:32 (GMT +7)
Bình Liêu: Khai thác hiệu quả 3 "trụ cột" thiên nhiên, văn hóa, con người
Thứ 3, 22/10/2024 | 13:28:15 [GMT +7] A A
Tích cực triển khai Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác hiệu quả các tài nguyên độc đáo, riêng có về thiên nhiên, văn hóa, con người.
Phát huy thế mạnh mùa du lịch thu - đông
Như thường lệ, khoảng giữa tháng 10 là thời điểm Bình Liêu vào mùa đẹp nhất năm. Thu về, miền biên giới tươi đẹp như khoác lên mình chiếc áo mới, lãng mạn và thơ mộng vô cùng. Từng vạt hoa lau bung nở trắng xóa khắp những ngọn đồi, dọc theo cung đường tuần tra biên giới, những thửa ruộng bậc thang vàng óng vào mùa thu hoạch hòa quyện trong sắc xanh cao vời vợi của núi non, mây trời nơi đây. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên tươi sáng, khoáng đạt làm mê đắm lòng người.
Đây cũng là thời điểm các hoạt động văn hóa, du lịch diễn ra sôi nổi nhất trong năm. Theo đó, chương trình khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng huyện Bình Liêu năm 2024 sẽ diễn ra vào 20h ngày 25/10 (tại Quảng trường 25/12, thị trấn Bình Liêu).
Trong khuôn khổ Hội Mùa vàng sẽ có các hoạt động hấp dẫn, diễn ra xuyên suốt tháng 10 và 11 tại xã Lục Hồn, như: Trải nghiệm “Lễ mừng cơm mới” của người Tày; Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh; Giải bóng đá nữ các dân tộc tỉnh Quảng Ninh; tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian tại các khu ruộng bậc thang, nhà văn hóa thôn, bản, sân thể thao trên địa bàn các thôn Ngàn Pạt, Khe O, Cao Thắng, Bản Cáu, Lục Nà; chương trình dù lượn “Bay trên Mùa vàng”; trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông lâm sản địa phương; giải leo núi chinh phục sống lưng khủng long - mốc 1305 huyện Bình Liêu lần thứ IV; chương trình trình diễn trang phục dân tộc đẹp...
Chương trình khai mạc Hội hoa Sở sẽ diễn ra trong tháng 12 tại rừng sở thôn Đồng Long (xã Đồng Tâm). Cùng với đó, sẽ có các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, như: Giải đua xe đạp phong trào Hội hoa Sở; giải bóng chyền hơi vô địch các nhóm tuổi huyện Bình Liêu; thi trưng bày cụm dong riềng; các hoạt động thi đấu giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian; trải nghiệm quy trình chế biến, sản xuất miến dong…
Chị Tô Thị Nga, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Các hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Bình Liêu được địa phương tổ chức, duy trì thường niên và luôn đổi mới qua các năm, nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn nhất khi đến với Bình Liêu. Ngoài tham gia các hoạt động ngày hội, tháng 10 và 11 cũng là khoảng thời gian Bình Liêu vào thu đẹp nhất để du khách có thể trải nghiệm “thiên đường” cỏ lau, “sống lưng khủng long”, hệ thống đường biên, cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc; tham quan các điểm du lịch như đình Lục Nà, cửa khẩu Hoành Mô, vườn hoa Cao Sơn, thác Khe Vằn, thác Sông Moóc, núi Cao Ba Lanh, núi Cao Ly... Đặc biệt, trải nghiệm sản phẩm du lịch mới của Bình Liêu trong năm nay là đi bộ xuyên rừng, ở homestay đất nện truyền thống của người Dao tại khu vực xã Đồng Văn. Qua đó, giúp du khách có cơ hội tìm hiểu, khám phá nhiều hơn nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ ở Bình Liêu.
Tạo tính cạnh tranh cho điểm đến
Với mục tiêu đưa hoạt động du lịch đi vào chiều sâu, có chất lượng dựa trên 3 “trụ cột” thiên nhiên, văn hóa, con người, Bình Liêu đang nỗ lực tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới đa dạng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, phù hợp nhu cầu từng dòng khách. Theo đó, huyện đã xây dựng, phân chia sản phẩm du lịch theo từng nhóm cụ thể, gồm: Du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch biên giới; du lịch nông nghiệp; du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch mạo hiểm và các sản phẩm du lịch khác.
Ông Đàm Huy Long, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành và Sự kiện Go Today, chia sẻ: Phần lớn khách Âu - Mỹ hiện nay khi đến Việt Nam thường bắt đầu từ Hà Nội, đến Ninh Bình hoặc Hạ Long rồi lên Tây Bắc. Nhiều khách có thời gian ở Việt Nam ngắn nên nếu muốn đi cả Hạ Long và Tây Bắc sẽ chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” do khoảng cách hai tỉnh xa, mất nhiều thời gian di chuyển.
Trong khi cao điểm du lịch của khách quốc tế thường từ tháng 10 đến tháng 4 nên khi khách đến Việt Nam, mùa vàng ở Tây Bắc có thể đã kết thúc. Mùa lúa chín ở Bình Liêu lại chậm hơn 1-2 tháng. Do đó, đây là điểm đến có thể thay thế trải nghiệm này ở Tây Bắc với những du khách vẫn muốn ngắm ruộng bậc thang. Chưa kể Bình Liêu còn có cung trekking đường rừng, có cộng đồng người dân tộc vẫn giữ nguyên được nét văn hoá bản địa, thiên nhiên hoang sơ… Vì vậy nếu khai thác tốt các tài nguyên, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng thì Bình Liêu có thể sẽ trở thành lựa chọn chính của khách quốc tế sau khi đến Hạ Long cũng như giúp Quảng Ninh kéo dài thêm thời gian khách lưu trú tại tỉnh.
Để làm được điều đó, Bình Liêu đang đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch, mời gọi, thu hút đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư khai thác tiềm năng trên địa bàn cũng như các dự án trong Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, gồm: Xây dựng và cải tạo chợ Đồng Văn, khu du lịch săn mây Cao Ly, đồi hát Soóng Cọ, khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp… Hiện có Công ty TNHH Du lịch cộng đồng Bình Liêu phối hợp với người dân thực hiện tại thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn; Công ty XNK Long Hải JSC đầu tư triển khai dự án tại thác Khe Vằn, xã Húc Động, Hợp tác xã Hoa Bình Liêu và Công ty CP Đầu tư Phát triển dịch vụ du lịch triển khai tại thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô.
Huyện cũng ưu tiên nguồn lực xây dựng bản văn hóa - du lịch tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn theo đề án đã được thông qua, từng bước xây dựng thành điểm tham quan, du lịch cộng đồng, tiếp đến là các bản văn hóa - du lịch thôn Lục Ngù (xã Húc Động) và thôn Sông Moóc (xã Đồng Văn). Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực phục vụ du lịch…
Tin tưởng, với định hướng đúng đắn, sự nỗ lực của địa phương, người dân, sự chung tay của doanh nghiệp, du lịch Bình Liêu sẽ tiếp tục khởi sắc, phát triển bền vững.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()