Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:34 (GMT +7)
Bình Liêu Chuyển biến tích cực từ Nghị quyết 17-NQ/TU
Chủ nhật, 08/12/2024 | 07:46:53 [GMT +7] A A
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, huyện Bình Liêu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa việc thực hiện 4 quan điểm, 3 khâu đột phá và các nhóm mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ của Nghị quyết 17-NQ/TU tại Chương trình hành động số 53-CTr/HU. Huyện Bình Liêu quan tâm chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, phát huy vai trò tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa, con người đối với sự phát triển bền vững toàn diện cũng như trách nhiệm tham gia bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Theo đó, các cấp, ngành, đơn vị tập trung phổ biến, tuyên truyền 8 đặc trưng của con người Quảng Ninh “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh” đồng thời hướng dẫn xây dựng và phát huy hình ảnh con người Bình Liêu với các đặc điểm “Nhân ái, Giản dị, Giàu bản sắc văn hóa”.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng xây dựng văn hóa trong từng môi trường gia đình, cộng đồng dân cư, công sở, doanh nghiệp, trường học... Nổi bật, Bình Liêu đã xây dựng và triển khai Đề án “Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tập tục, tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu trên địa bàn huyện Bình Liêu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030” nhằm góp phần xây dựng văn hóa, con người Bình Liêu với những giá trị đạo đức, nhân cách, lối sống tốt đẹp.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ tiếp tục thực hiện hiệu quả thông qua tổ chức các ngày hội, lễ hội truyền thống như: Lễ hội Đình Lục Nà, Hội Soóng cọ, Hội Kiêng Gió, Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2024... Qua đó, vừa nhằm phục vụ nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, vừa phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, huyện đã tổ chức thành công lễ công bố nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ là di sản văn hóa phi vật thể; Ngày hội di sản then và hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng”, nhằm nghiên cứu định vị then Tày Bình Liêu trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, đề xuất các giải pháp bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy, phát triển các giá trị then Tày huyện Bình Liêu trong bối cảnh hiện nay.
Năm 2024, Bình Liêu tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển văn hóa và con người. Đến nay, 100% Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nhà văn hóa thôn, khu phố được trang bị cơ sở vật chất theo quy định. Huyện cũng thu hút xã hội hóa đầu tư khu Liên hợp thể thao với diện tích 14.750m2, tổng vốn đầu tư 8 tỷ đồng. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ với 37 CLB bóng chuyền hơi, cầu lông, tennis, dưỡng sinh… tại các xã, thị trấn và duy trì gìn giữ các môn thể thao dân tộc (ném còn, đánh quay, đẩy gậy) các dịp lễ hội.
Cùng với đó, huyện bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động bảo tồn văn hóa theo phân kỳ ngân sách hằng năm như: Hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, kinh phí hoạt động cho các CLB nghệ thuật dân gian; mở các lớp truyền dạy dân ca; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ truyền thống, thể dục thể thao và trò chơi dân gian. Toàn huyện hiện có 7 CLB nghệ thuật dân gian cấp xã, 28 CLB cấp thôn, khu với 600 thành viên thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện, ngày lễ của địa phương, đất nước trong năm.
Bám sát chỉ đạo của tỉnh trong việc phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo và dịch vụ văn hóa trở thành một mũi đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, huyện đã phối hợp với Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội nghiên cứu từng bước triển khai nghệ thuật biểu diễn truyền thống trên nền di sản văn hóa phi vật thể hát then của người Tày và hát soóng cọ của người Sán Chỉ. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và người dân tích cực quảng bá văn hóa truyền thống, ẩm thực đặc sắc của địa phương từ những mô hình homestay mang phong cách, kiến trúc bản địa.
Với những nỗ lực, quyết tâm trong triển khai thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU, Bình Liêu đã và đang có những bước đi vững chắc trong công tác gìn giữ, xây dựng, lan tỏa giá trị văn hóa con người Quảng Ninh nói chung, Bình Liêu nói riêng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()