Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:49 (GMT +7)
Bình Liêu: Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống
Chủ nhật, 23/06/2024 | 14:04:13 [GMT +7] A A
Huyện Bình Liêu có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sở hữu các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Tày, Dao, Sán Chỉ. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, huyện đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Triển khai Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh uỷ ngày 17/5/2021 "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" và Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững" huyện Bình Liêu đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn huyện.
Theo đó, huyện đã duy trì tổ chức tốt các lễ hội, ngày hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, như: Lễ hội đình Lục Nà, hội Soóng cọ, hội Kiêng gió, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc… Thông qua các lễ hội, ngày hội đã tái hiện lại những nếp sinh hoạt, nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ cùng các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc.
Năm 2019, UNESCO chính thức ghi nhận Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó, then Tày Bình Liêu - Quảng Ninh là một đại diện. Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ thuộc các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên và TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây chính là động lực quan trọng để các làn điệu dân ca của dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ của huyện Bình Liêu ngày càng được lan tỏa, phát huy.
Không chỉ tổ chức biểu diễn tại các dịp lễ hội, ngày hội giao lưu văn hóa ở trong và ngoài huyện, Bình Liêu đang từng bước đẩy mạnh công tác truyền dạy trong nhà trường, thành lập và duy trì các câu lạc bộ văn nghệ tại 100% các xã, thị trấn đến thôn, khu phố.
Đồng chí Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, cho biết: Thời gian qua, huyện Bình Liêu luôn quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Huyện sẽ tạo các điều kiện tốt nhất để tổ chức nghiên cứu, bảo tồn, đưa vào trường học truyền dạy cho các em học sinh và tạo điểm nhấn cho sự phát triển du lịch.
Nhằm nghiên cứu, định vị then Tày Bình Liêu trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các giải pháp bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy, phát triển các giá trị then của người Tày huyện Bình Liêu trong bối cảnh hiện nay, cũng như các giải pháp khai thác diễn xướng then phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu, tháng 5 vừa qua, UBND huyện Bình Liêu phối hợp với Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh”.
Cùng với đó, huyện Bình Liêu đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, tập trung ưu tiên, tạo điều kiện cho cộng đồng dân tộc tự bảo vệ và phát huy di sản văn hoá, trao truyền văn hóa truyền thống từ kiến trúc nhà ở, không gian sống, trang phục truyền thống, ẩm thực, dân ca, các phong tục tập quán... tạo các sản phẩm văn hóa đáp ứng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng địa phương. Đến nay, huyện đã hoàn thành “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tiếp tục xây dựng “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” và “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của tỉnh.
Huyện cũng luôn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ đồng bào các DTTS. Đến nay, 100% thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện đều có nhà văn hóa và khu tập luyện thể dục thể thao. Công tác bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, trang phục của đồng bào DTTS được duy trì thường xuyên.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thời gian qua đã có hiệu quả tích cực, góp phần không nhỏ trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sự phong phú, đa dạng hóa đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn. Từ đó, tính tự quản, ý thức cội nguồn, đoàn kết cộng đồng trong các thôn, bản, khu phố của các DTTS được duy trì và phát huy.
La Lành (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()