Tất cả chuyên mục

Với nhiều mô hình thiết thực, Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 về “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã và đang góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái và tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng.
Một trong những mô hình hiệu quả nhất của Dự án 8 tại Quảng Ninh là tổ truyền thông tại cộng đồng. Đến nay, đã có 71 tổ truyền thông được thành lập tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, vượt xa chỉ tiêu ban đầu (đạt 202,8%). Thành viên các tổ gồm cán bộ thôn, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ và những người có uy tín trong cộng đồng.
Các tổ truyền thông đã linh hoạt trong hình thức hoạt động: Sử dụng nền tảng số như Zalo, Facebook để lan tỏa thông tin, kết hợp tuyên truyền trực tiếp trên loa phát thanh bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Nội dung truyền thông tập trung vào xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao nhận thức về bảo vệ phụ nữ trước các nguy cơ thiên tai, biến đổi khí hậu.
Từ năm 2023 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 200 cuộc truyền thông và 30 lớp tập huấn, thu hút gần 10.000 lượt người tham gia. Các tổ truyền thông không chỉ lan tỏa thông điệp bình đẳng giới, mà còn góp phần thay đổi sâu sắc nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng sống và thúc đẩy sự tự tin cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái DTTS, Dự án 8 đã triển khai mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường học. Nam 2024 đã có 41/50 câu lạc bộ được thành lập (đạt 82% kế hoạch), dự kiến trong năm 2025 sẽ đạt 100%.
Hoạt động của câu lạc bộ tập trung vào giáo dục bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, khuyến khích trẻ em bày tỏ quan điểm và tham gia vào quá trình xây dựng chính sách liên quan. Mô hình này đã giúp trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái dân tộc thiểu số, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, tự tin hơn trong giao tiếp và nâng cao vai trò của mình trong cộng đồng.
Nhằm hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, Dự án 8 đã triển khai mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Đến nay, 65/100 địa chỉ tin cậy đã được củng cố và nâng cao chất lượng. Các địa chỉ này được đặt tại trạm y tế, nhà trưởng thôn/khu, chi hội trưởng phụ nữ, giúp hỗ trợ kịp thời những trường hợp bị bạo lực gia đình, tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, Dự án cũng tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình và bảo vệ trẻ em, gần 3.000 lượt người tham gia. Đây là giải pháp quan trọng giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và góp phần xây dựng một xã hội an toàn hơn.
Cùng với các mô hình về bình đẳng giới thì một trong những nội dung trọng tâm của Dự án 8 là hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ kinh tế. Đến nay, 70% phụ nữ đồng bào DTTS đã và đang tham gia các mô hình sản xuất, tổ nhóm sinh kế, hợp tác xã đã được tập huấn về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
Việc trang bị kiến thức giúp phụ nữ tự chủ về kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Đây cũng là tiền đề quan trọng để nâng cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Với những kết quả tích cực đạt được, có thể khẳng định rằng, Dự án 8 không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, mà còn tạo ra những tác động lâu dài, giúp phụ nữ và trẻ em gái DTTS tại Quảng Ninh có cơ hội phát triển toàn diện, vững vàng hơn trên con đường hội nhập và phát triển.
Ý kiến ()