Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:09 (GMT +7)
Bình đẳng giới nâng cao chất lượng dân số
Thứ 6, 16/02/2024 | 08:45:57 [GMT +7] A A
Hiện nay, chất lượng dân số đang từng bước được nâng cao. Vì thế, theo các chuyên gia, để chất lượng dân số ngày càng phát triển bền vững chúng ta cần phải tích cực thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai, con gái, hướng tới một xã hội bình đẳng, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.
Nếu như trước kia phụ nữ thường bị yếu thế trong thực hiện KHHGĐ thì hiện nay, trong các văn bản, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đã có quy định rõ về bình đẳng giới giữa nam và nữ. Đó là mỗi cặp vợ chồng và cá nhân đều có quyền quyết định sinh con, số con và khoảng cách sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động... Trên cơ sở đó, vợ chồng có trách nhiệm ngang nhau trong các hoạt động của gia đình, thực hiện KHHGĐ, chăm sóc con cái...
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, năm 2023 tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 113 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Mặc dù, tỷ số này hằng năm đã được khống chế, tuy nhiên không ổn định và tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn tồn tại trong xã hội. Vì thế, việc thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình hiện nay rất quan trọng để bảo đảm việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo đó, các nội dung tuyên truyền được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh; nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh... Thông qua tuyên truyền, vận động, từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.
Hiện nay, mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” đã được triển khai ở 177/177 xã, phường của tỉnh, tập trung chủ yếu vào thay đổi nhận thức của người dân về giới tính. Công tác truyền thông được các cán bộ dân số tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của nhân dân các địa phương.
Công tác truyền thông vận động chính sách, truyền thông thay đổi hành vi về SKSS ngày càng được chú trọng, tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS tiến bộ, an toàn. Các dịch vụ khám, chữa bệnh chuyên ngành sản khoa, nhi khoa, tập trung vào các nội dung: Dự phòng và kiểm soát ung thư, nhiễm khuẩn đường sinh sản, loại trừ các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con...
Tại các địa phương, cụ thể hóa mục tiêu mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 đến 2 con, công tác truyền thông đến từng hộ gia đình được đẩy mạnh. Quy mô gia đình có từ 1 đến 2 con ngày càng phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận hiệu quả các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội khác.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân; đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em; tuyên truyền về tác hại của phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên... Đồng thời tổ chức hội nghị tuyên truyền cung cấp thông tin về DS-KHHGĐ, kiến thức về mất cân bằng giới tính khi sinh cho những người có uy tín trong cộng đồng, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận; truyền thông chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại các xã có mức sinh cao...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số, một trong những việc cần làm là tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân; phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới trong công tác bình đẳng giới. Đồng thời cần có nhiều giải pháp thiết thực bảo vệ trẻ em, để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()