Theo cơ quan điều tra, số tiền chiếm đoạt 103 tỷ đồng qua các gói thầu (từ năm 2016 đến 2020) đã được Lợi chuyển cho vợ chồng Quân làm nhiều lần, theo chỉ đạo. Trong đó có hai lần đưa tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản cho Quân, tổng cộng hơn 27 tỷ đồng; chuyển cho Diễm hơn 16 tỷ; còn lại hơn 60 tỷ để mua bất động sản, ôtô...
Cụ thể, Quân và vợ chi gần 38 tỷ đồng để mua căn biệt thự trị giá 100 tỷ đồng thuộc Dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, đứng tên Công ty Ngọc Đạo. Phần tiền còn lại, họ vay ngân hàng.
Doanh nghiệp của Diễm cũng đứng tên mua căn biệt thự du lịch nghỉ dưỡng thuộc Dự án Vinpeal Golf land Resort & Villas (TP Nha Trang, Khánh Hòa) với giá trên hợp đồng là gần 19 tỷ đồng. Trong lần giao dịch này, Lợi đã sử dụng 2,3 tỷ từ nguồn tiền chiếm đoạt được để thanh toán.
Tháng 7/2017, khi vợ chồng ông Quân mua thửa đất ở phường Linh Xuân (TP Thủ Đức), Lợi đã chuyển gần 12 tỷ đồng để thanh toán. Đến tháng 6/2021, sau khi bán khu đất này được 19 tỷ đồng, ông Quân sử dụng vào mục đích cá nhân.
Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định, Công ty Nguyễn Tâm sử dụng hơn 8,5 tỷ đồng từ nguồn tiền Bệnh viện Thủ Đức thanh toán cho các gói thầu để mua xe Audi và Mercedes S450. "Các tài sản này đứng tên Lợi nhưng thực chất là để Quân sử dụng", nhà chức trách cáo buộc.
Quá trình điều tra, ông Quân khai toàn bộ tiền vốn kinh doanh của các công ty trúng thầu ở Bệnh viện TP Thủ Đức đều là tiền của mình cho Lợi vay. Bị can giao cho Lợi quản lý tiền cá nhân của mình, khi cần mua gì sẽ kêu Lợi thanh toán, hoặc đưa tiền mặt cho vợ chồng trả.
Việc để Công ty Ngọc Đạo đứng tên mua 2 căn biệt thự là theo tư vấn của nhân viên ngân hàng, vì sẽ thuận tiện cho mua trả góp. Do vậy, Quân đã bảo vợ đứng tên ký hợp đồng. Cựu giám đốc bệnh viện không thừa nhận chỉ đạo Lợi mua 2 ôtô để mình sử dụng, mà cho rằng "thích lái xe nên mượn của Công ty Nguyễn Tâm để thỉnh thoảng đưa vợ con đi chơi".
Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng, đủ căn cứ xác định ông Quân vì muốn che giấu khoản tiền chiếm đoạt được đã chỉ đạo Lợi phải chuyển khoản hoặc rút tiền mặt đưa cho vợ chồng mình, sau đó mới chuyển khoản để mua bất động sản và ôtô. "Quân tuy không đứng tên mua, không đứng tên sở hữu tài sản nhưng là người quyết định mua bán tài sản", kết luận điều tra nêu.
Quá trình điều tra, Bộ Công an đã kê biên của vợ chồng ông Quân hai căn biệt thự, hai căn nhà ở TP HCM, thửa đất hơn 11.000 m2 ở huyện Củ Chi... Hai chiếc Audi và Mercedes được Lợi bán giá gần 8,2 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng và khắc phục hậu qủa của vụ án.
Vô hiệu hóa bệnh viện để 4 công ty 'sân sau' trúng thầu
Ông Quân giữ chức Giám đốc, đại diện pháp luật của Bệnh viện Thủ Đức từ năm 2007 đến khi bị bắt, tháng 11/2021. Từ năm 2016 đến 2020, bệnh viện tổ chức 31 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế để phục vụ khám chữa bệnh. Trong đó 27 gói đã hoàn thiện thanh toán với tổng giá trị 346 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, ông Quân chỉ đạo Lợi thành lập 3 công ty để cùng một công ty khác của vợ tham gia đấu thầu. Khi muốn công ty nào trúng thầu, Giám đốc bệnh viện sẽ chỉnh sửa hồ sơ cho tốt hơn các doanh nghiệp còn lại và đưa ra báo giá thấp hơn.
Tại bệnh viện, ông Quân ký quyết định thành lập tổ chuyên tổ chức đấu thầu nhưng các thành viên đều bị "vô hiệu hóa", không có quyền can thiệp. Công việc chính của họ chỉ là ký hoàn thiện hồ sơ và phối hợp với Lợi để làm đẹp hồ sơ theo chỉ đạo. Quá trình làm hồ sơ đấu thầu, các nhân viên bệnh viện biết rõ nhóm công ty dự thầu đều là "sân sau" của ông Quân nhưng vẫn làm theo chỉ đạo để hoàn thiện, ký hợp thức hồ sơ.
Dưới sự "đạo diễn" của giám đốc này, từ năm 2016 đến 2020, Bệnh viện Thủ Đức đã hợp thức hóa hồ sơ, ấn định cho nhóm 4 công ty do Lợi quản lý trúng 27 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu là 346 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi giá mua và các chi phí hợp lý, thì số tiền chiếm đoạt của Bệnh viện Thủ Đức (được nhà nước giao quản lý) được xác định là hơn 103 tỷ đồng. Để che giấu nguồn tiền này, ông Quân cùng vợ "rửa" bằng cách mua nhiều tài sản có giá trị lớn như trên.
Đây là vụ án thứ hai ông Quân bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại vụ án đầu tiên, ông Quân bị Công an TP HCM đề nghị truy tố với cáo buộc vi phạm đấu thầu liên quan mua kit xét nghiệm Covid Việt Á, gây thiệt hại cho bệnh viện hơn 10 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến 2022, bị Bộ Công an điều tra khi đang đương nhiệm là Giám đốc Bệnh viện, ông Quân còn 8 lần chi tổng cộng hơn 3,7 triệu USD để "chạy án". 6 người tham gia chạy án cho ông Quân đã bị xét xử, trong đó có hai cựu cán bộ của C03 Bộ Công an. Trong vụ này, ông Quân được đánh giá là chủ động khai báo trước khi bị phát giác nên được miễn trách nhiệm hình sự.
Ý kiến ()