Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 12:47 (GMT +7)
Biến thể Mu nguy hiểm đến đâu mà WHO phải nâng cấp trên thang theo dõi COVID-19?
Thứ 6, 03/09/2021 | 10:49:33 [GMT +7] A A
Một nghiên cứu trên Medrxiv cảnh báo biến thể Mu có thể làm giảm hiệu quả vắc-xin trong việc chống lại các ca nhiễm COVID-19 nặng.
Sau hơn 8 tháng theo dõi một biến thể COVID-19 xuất hiện lần đầu ở Colombia vào tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định nâng cấp nó này thành "một biến thể đáng quan tâm".
Điều này có nghĩa là biến thể thể này sẽ được đặt cho một cái tên bằng chữ cái Hy Lạp: Mu tham gia vào danh sách các biến thể nguy hiểm trước đó bao gồm Lambda, Kappa, Iota và Eta.
Trên đó một bậc là các biến thể đáng lo ngại bao gồm: Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Theo dữ liệu của sáng kiến toàn cầu đang theo dõi sự phát triển của bộ gen COVID-19, GISAID, biến thể Mu đã xuất hiện ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. "Bởi vậy, tôi đánh giá rất cao khi cuối cùng WHO cũng nâng cấp nó thành biến thể đáng quan tâm", tiến sĩ Paúl Cárdenas, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học San Francisco de Quito cho biết.
"Biến thể này lần đầu tiên được báo cáo ở Colombia vào tháng Giêng và chúng tôi tìm thấy nó vào tháng Năm ở Ecuador. Nó thu hút sự chú ý của chúng tôi vì có một số đột biến tương tự như Beta và một số đột biến khác giống với Iota, Delta, Alpha và Eta".
Tiến sĩ Cárdenas nói rằng Mu chỉ mất vài tuần để vượt qua tất cả các biến thể phổ biến khác khi nó xâm chiếm Ecuador. "Ở Colombia, nó chiếm 39% trên tổng số gen virus được giải trình. Mu đã được tìm thấy ở nhiều quốc gia Nam Mỹ bao gồm Peru, Uruguay, Bolivia, Paraguay và Uruguay", ông nói.
"Ngoài ra, đã có những đợt bùng phát nhỏ của biến thể này ở Tây Ban Nha, Pháp và Florida, Hoa Kỳ". Mới đây nhất, Nhật Bản cũng đã xác nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Mu.
Biến thể Mu là gì? Tại sao WHO nâng cấp nó thành biến thể đáng quan tâm?
Mu là tên theo hệ thống chữ cái Hy Lạp mà WHO đặt cho biến thể virus SARS-CoV-2 trước đó được gọi là B.1.621 trong hệ thống danh pháp Pango. Nó sở hữu tổng số 21 dạng đột biến so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu.
Trong đó, Mu có 9 dạng đột biến axit amin, tất cả đều ở mã protein gai của virus: T95I, Y144S, Y145N, R346K, E484K (hoặc đột biến trốn tránh hệ miễn dịch), N501Y, D614G , P681H và D109N.
Dữ liệu giải trình này cho thấy Mu chia sẻ nhiều đột biến với các biến thể SARS-CoV-2 trước đó, bao gồm cả chủng Delta, Alpha, Beta và Gamma. Một bài báo được xuất bản trên Tạp chí Y tế Virology nói rằng một số đột biến của Mu được tìm thấy trong các biến thể đáng quan tâm khác.
Đây là lý do chủ yếu khiến Tổ chức Y tế Thế giới nâng cấp Mu vào danh sách các biến thể đáng quan tâm. Nó đã vượt qua một số tiêu chí mà WHO đặt ra:
1. Có những thay đổi di truyền được dự đoán hoặc được biết sẽ ảnh hưởng đến các đặc điểm của virus như: khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, trốn tránh miễn dịch, chẩn đoán hoặc biện pháp điều trị
2. Gây ra sự lây truyền cộng đồng đáng kể hoặc sự bùng phát của nhiều cụm COVID-19, ở nhiều quốc gia với tỷ lệ lưu hành tương đối ngày càng tăng cùng với số ca mắc gia tăng theo thời gian
3. Có thể có các tác động dịch tễ học rõ ràng khác để gợi ý một nguy cơ mới đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Liệu biến thể Mu có kháng được vắc-xin không?
Cho tới thời điểm này, chúng ta chưa có đủ bằng chứng để kết luận liệu biến thể Mu có thể tránh được sự bảo vệ của vắc-xin COVID-19 hay không.
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của các chuyên gia ở Italia đã kiểm tra hiệu quả của vắc-xin BioNTech-Pfizer trong việc chống lại biến thể Mu. Họ phát hiện "mặc dù sở hữu một số đột biến ở gai protein, nhưng SARS-CoV-2 B.1.621 vẫn bị vô hiệu hóa bởi vắc-xin [Pfizer]- nó vẫn kích hoạt được kháng thể".
Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý khả năng trung hòa kháng thể mà vắc-xin tạo ra với biến thể Mu thấp hơn so với các biến thể SARS-CoV-2 trước đó. Điều này nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc cách ly những người sau khi ra nước ngoài đúng cách, để tránh lây lan các dòng SARS-CoV-2 mới xuất hiện giữa các quốc gia", nhóm nghiên cứu viết.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet vào ngày 13 tháng 8 năm 2021 cho thấy biến thể Mu có "hai cách để có thể thoát khỏi vắc-xin".
Họ viết rằng một số đột biến trên gai protein của Mu "đã từng được báo cáo với khả năng làm giảm sự giảm trung hòa bởi kháng thể. Biến thể Mu cũng chứa một đột biến trên gai protein giống với đột biến đã giúp biến thể Beta kháng vắc-xin.
Sự hiện diện của các đột biến liên quan đến khả năng kháng vắc-xin đủ để phân loại lại biến thể này thành một biến thể đáng lo ngại", nghiên cứu đề xuất.
Biến thể Mu có dễ lan truyền hơn không?
Hiện tại cũng có rất ít nghiên cứu xem xét biến thể Mu. Vì các nghiên cứu về biến thể mới này chỉ đang được tiến hành ở giai đoạn đầu nên còn quá sớm để biết liệu Mu có khả năng lây truyền cao hơn hay gây bệnh nghiêm trọng hơn so với các biến thể khác hay không.
Một nghiên cứu được công bố trên nền tảng xuất bản mở Medrxiv nhưng chưa bình duyệt viết rằng những đột biến được tìm thấy trong chủng B.1.621 có thể có "tác động tổng hợp lên các thuộc tính như làm giảm khả năng bảo vệ của vắc-xin chống lại các ca nhiễm nặng, tăng khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của bệnh".
Mặc dù Mu chưa thỏa mãn các tiêu chí để được đánh giá ngang hàng với các biến thể đáng lo ngại như Delta, các nhà nghiên cứu cho biết WHO nên giám sát chặt chẽ biến thể này. Việc đưa Mu vào danh sách các biến thể đáng quan tâm (dưới các biến thể đáng lo ngại một bậc) chính là bước quan trọng để làm điều đó.
Theo genk.vn
Liên kết website
Ý kiến ()