Theo các nghiên cứu, hồi đầu đại dịch, virus cần khoảng 15 phút để lây nhiễm khi tiếp xúc gần. Thời gian giờ rút ngắn hơn rất nhiều, khiến người dân và giới chức cần nhìn nhận lại về nguy cơ phơi nhiễm và điều chỉnh hành vi phù hợp.
Delta khiến giới chức y tế công cộng thay đổi khuyến nghị an toàn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 27/7 cho biết người đã tiêm vaccine nên tiếp tục đeo khẩu trang ở không gian kín, tại các vùng tỷ lệ lây nhiễm cao.
Theo giám đốc CDC Rochelle Walensky, biến thể Delta có thể gây hiện tượng nhiễm nCoV đột phá, dù rất hiếm. Một số người đã tiêm chủng vẫn mắc Covid-19, không biểu hiện triệu chứng song vẫn mang lượng virus tương tự người chưa tiêm.
Delta lây lan mạnh hơn so với các biến thể cũ
Các chuyên gia ước tính, Delta có khả năng lây lan cao hơn khoảng 50% so với biến thể Alpha. Alpha cũng có khả năng lây lan cao hơn chủng virus lần đầu xuất hiện ở Vũ Hán khoảng 50%.
Trong nghiên cứu hồi tháng 7, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện người nhiễm biến thể Delta có lượng virus trong đường hô hấp nhiều hơn 1.000 lần so với chủng ban đầu. Giáo sư John Vol Chicken, Đại học Bang Colorado ở Fort Collins, khẳng định: "Delta xâm nhập tế bào người dễ dàng hơn".
Nồng độ virus cao đồng nghĩa các F0 thải ra nhiều virus hơn. Hiện chưa thể tính chính xác lượng virus phát tán vào không khí. Giáo sư Linsey Marr, khoa Kỹ thuật dân sự và Môi trường tại Trường Virginia Tech, giải thích: "Virus nhân lên gấp 1.000 lần trong cơ thể không nhất thiết là virus thải ra không khí cũng gấp 1.000 lần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều này có xảy ra".
Nguy cơ phơi nhiễm Delta
Theo giới y khoa, tiêm phòng là cách tốt nhất để giảm nguy cơ lây nhiễm virus. Song những người đã tiêm vaccine vẫn cần thận trọng. Vaccine có phần kém hiệu quả hơn khi tiếp xúc biến thể Delta nhưng vẫn bảo vệ được người dùng khỏi nguy cơ trở nặng và tử vong.
Đối với người chưa chủng ngừa, Delta thay đổi quan niệm cũ, rằng một người tiếp xúc với F0 khoảng 15 phút mới có nguy cơ lây nhiễm. Các nhà khoa học cho biết quá trình này rút ngắn còn 5 phút. Theo tiến sĩ Marr, biến thể thậm chí đủ mạnh để truyền sang người chưa tiêm phòng khi tiếp xúc thoáng qua, chẳng hạn một phút trong thang máy.
"Trước đây, bạn phải ở trong phòng kín cùng người bệnh tới 15 phút mới có thể lây nhiễm. Giờ đây, tốc độ nhanh gấp 1.000 lần", tiến sĩ Marr giải thích. "15 phút biến thành vài giây".
Người mới tiêm chủng một lần cũng dễ có nguy cơ nhiễm biến thể Delta.
Vaccine có tác dụng ra sao?
Theo các nhà khoa học, những người tiêm đủ hai liều vaccine sẽ an toàn hơn, khó diễn biến nặng. Giáo sư Don Milton, trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Maryland, cho biết Delta chủ yếu là mối nguy với những người chưa tiêm chủng.
Biến thể gây nguy hiểm cho người người tiếp xúc với các ca nhiễm trong không gian kín. Nếu đã tiêm vaccine, thời gian để bị lây nhiễm sẽ dài, khoảng 15 phút hoặc nửa tiếng. "Nếu chưa tiêm chủng, bạn hoàn toàn không được bảo vệ, chẳng mất bao lâu để virus xâm nhập", ông Milton nói.
Theo tiến Walensky, người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng nhiễm và lây virus cho cộng đồng, song hầu hết không có triệu chứng, khó chuyển nặng.
Nguy cơ lây truyền ngoài trời của Delta
Với biến thể Delta, các nhà khoa học cho rằng nên xem xét lại quan điểm virus khó lan truyền ở không gian mở. Theo nghiên cứu, Delta gây nguy cơ lây nhiễm ngoài trời cao hơn thể gốc, đặc biệt đối với những người chưa tiêm chủng.
"Các hoạt động ngoài trời trở nên rủi ro hơn. Nếu bạn đứng trong tầm hô hấp (vùng không khí thoát ra từ hơi thở) của người bệnh, bạn dễ nhiễm virus. Nguy cơ tăng cao ở môi trường đông đúc như các buổi hòa nhạc hoặc trận bóng chày", tiến sĩ Marr nói.
Các bác sĩ cho biết nếu đã tiêm phòng, người dân có thể đạp xe, chạy bộ đường dài tại nơi vắng vẻ mà không cần đeo khẩu trang. Song rủi ro tăng khi ở trong các loại lều cưới hoặc công trình xây dựng có ba mặt được bao bọc.
"Những nơi như vậy không được phân loại là môi trường ngoài trời. Lượng khí lưu thông vẫn hạn chế. Đây là điều kiện để virus tích tụ", tiến sĩ Marr nói.
Ý kiến ()