Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 00:19 (GMT +7)
Biến thách thức thành cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu
Thứ 5, 29/12/2022 | 08:28:49 [GMT +7] A A
Dù gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ nắm bắt tốt tín hiệu thị trường và tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, xuất khẩu năm 2022 vẫn từng bước phát triển, đạt mức tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế chung của đất nước. Trong đó, mức xuất siêu 11 tháng đạt 10,7 tỷ USD vừa cho thấy sự chuyển dịch hiệu quả trong hoạt động xuất, nhập khẩu, vừa góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá cũng như các chỉ số vĩ mô khác.
Theo Tổng cục Hải quan và Bộ Công thương, tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cả nước tiếp tục duy trì tăng trưởng đáng ghi nhận với tổng kim ngạch gần 342,2 tỷ USD, tăng 13,4%, tương ứng tăng 40,5 tỷ USD so cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, nhu cầu hàng hóa toàn cầu đã có dấu hiệu chậm lại, lượng đơn hàng xuất khẩu giảm từ tháng 9 tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu, khiến kim ngạch xuất khẩu cả nước tháng 11 giảm 4,4% so tháng trước.
Những con số ấn tượng
Theo đánh giá của các chuyên gia, để đạt được những kết quả tốt trong phục hồi kinh tế, khôi phục sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022 có hai nguyên nhân cơ bản: Ðó là việc Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19, đồng thời xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế nên đã tranh thủ được cơ hội thị trường thế giới khan hiếm về hàng hóa để đẩy mạnh xuất khẩu.
Không những vậy, ngoài tăng về lượng, chúng ta cũng duy trì được sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo mục tiêu chiến lược đề ra: Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục khẳng định vai trò động lực tăng trưởng chính của xuất khẩu 11 tháng, chiếm 86% tổng kim ngạch (ước đạt 294,4 tỷ USD, tăng 13,3% so cùng kỳ).
Trong đó, điện thoại và linh kiện cũng giữ vững vị trí nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 55,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 16,2% tổng kim ngạch cả nước. Kết quả này cho thấy, Việt Nam đang mở rộng chuỗi cung ứng, tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị thay vì chỉ lắp ráp điện thoại di động như trước đây.
Năm 2022 cũng chứng kiến sự bứt tốc ngoạn mục của xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản với kim ngạch 11 tháng đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so cùng kỳ, vượt qua con số kỷ lục 48,6 tỷ USD của cả năm 2021; giá trị xuất siêu đạt 7,82 tỷ USD, tăng 47,8%; trong đó, có đến tám mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt kim ngạch hơn 2 tỷ USD, bao gồm: cà-phê, cao-su, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, cá tra và sản phẩm gỗ.
Ðáng chú ý, ngành thủy sản chính thức ghi tên vào "Câu lạc bộ chục tỷ USD" với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 10,1 tỷ USD, tăng 27% so cùng kỳ do các thị trường xuất khẩu đều có nhu cầu cao đối với thủy sản Việt Nam; ngành gỗ và sản phẩm làm từ gỗ dù những tháng cuối năm rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, nhưng hết tháng 11 vẫn đạt giá trị xuất khẩu 14,6 tỷ USD, tăng 9%; xuất khẩu cà-phê ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng đến 31,5% về trị giá xuất khẩu và tăng 10% về lượng.
Năm 2022 cũng chứng kiến sự bứt tốc ngoạn mục của xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản với kim ngạch 11 tháng đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so cùng kỳ, vượt qua con số kỷ lục 48,6 tỷ USD của cả năm 2021; giá trị xuất siêu đạt 7,82 tỷ USD, tăng 47,8%; trong đó, có đến tám mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt kim ngạch hơn 2 tỷ USD, bao gồm: cà-phê, cao-su, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, cá tra và sản phẩm gỗ.
Riêng mặt hàng gạo được dự báo sẽ có thêm nhiều thuận lợi trong năm tới bởi những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu đang khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng mạnh, trong khi nguồn cung lại giảm mạnh do ảnh hưởng thời tiết xấu ở các quốc gia sản xuất gạo lớn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), kết quả xuất khẩu trong năm qua còn là minh chứng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các FTA đã ký kết.
Ðơn cử, với Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau ba năm thực thi, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường trong khối đã tăng trưởng từ 75%-100%. Hoặc với FTA Việt Nam-EU (EVFTA), nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam đã xuất khẩu sang EU với mức tăng trưởng cao, nhất là một số nhóm hàng như sắt thép (tăng trưởng 200%), cà-phê (tăng trưởng 75,2%), hạt tiêu (tăng trưởng 55,8%).
Ðặc biệt, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá cũng như các chỉ số vĩ mô khác của nền kinh tế. Liên tục trong những tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa đều thâm hụt hoặc thặng dư thấp.
Tuy nhiên, kể từ giữa năm, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư ngày càng tăng. Nếu sáu tháng đầu năm, cả nước chỉ xuất siêu 742 triệu USD thì sau 7 tháng, mức xuất siêu đã là 1,1 tỷ USD; 8 tháng xuất siêu 3,9 tỷ USD; 9 tháng xuất siêu 7,1 tỷ USD; 10 tháng xuất siêu 9,4 tỷ USD và 11 tháng xuất siêu 10,7 tỷ USD.
Ðáng chú ý, xuất siêu tăng mạnh chủ yếu do xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu. Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt xấp xỉ 674 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 13,4%; nhập khẩu tăng 10,1%. Với quy mô kim ngạch và tốc độ tăng trưởng khả quan, giá trị xuất, nhập khẩu cả nước đã chính thức xác lập mốc kỷ lục mới 700 tỷ USD vào ngày 15/12.
Xuất siêu tăng mạnh chủ yếu do xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu. Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt xấp xỉ 674 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 13,4%; nhập khẩu tăng 10,1%. Với quy mô kim ngạch và tốc độ tăng trưởng khả quan, giá trị xuất, nhập khẩu cả nước đã chính thức xác lập mốc kỷ lục mới 700 tỷ USD vào ngày 15/12.
Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu Nguyễn Cẩm Trang nhận định, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.
Chủ động ứng phó với thách thức
Dù đạt được kết quả khá ấn tượng trong năm 2022, nhưng các nghiên cứu, dự báo cũng chỉ ra hàng loạt thách thức, rủi ro lớn đối với hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo đó, bức tranh xuất khẩu từ tháng 9 trở đi đã có nhiều biến động khi các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU lạm phát cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến lượng đơn hàng cho năm 2023 của nhiều ngành sản xuất chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, nhất là với các ngành dệt may, da giày, vật liệu xây dựng,... Nhiều doanh nghiệp sản xuất hiện đã phải cắt giảm nhân công, quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022. Theo Bộ Công thương, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU, Mỹ còn phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.
Trong đó, thị trường châu Âu đang dựng lên không ít rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh,... khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Trong khi đó, hàng Việt Nam lại phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc tại nhiều thị trường lớn do nước này nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn.
Ngoài ra, chi phí đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng càng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định, hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so kết quả của quý III/2022.
Mặt khác, xuất khẩu dù duy trì tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng như cơ cấu chủ thể xuất khẩu.
Cụ thể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc chính vào khu vực FDI (chiếm hơn 74%); tốc độ đa dạng hóa thị trường ở nhiều sản phẩm chậm, chịu phụ thuộc vào một số thị trường lớn, tiềm ẩn rủi ro.
Ðơn cử, xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU,... dù tăng mạnh, có thị trường tăng tới 100%, nhưng do mình Trung Quốc giảm nhập khẩu đã kéo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả đi xuống, trong 11 tháng chỉ đạt 3,1 tỷ USD (giảm 4,9% so với cùng kỳ) và dự kiến sẽ không đạt mục tiêu cho cả năm 2022.
Xuất khẩu vẫn phụ thuộc chính vào khu vực FDI (chiếm hơn 74%); tốc độ đa dạng hóa thị trường ở nhiều sản phẩm chậm, chịu phụ thuộc vào một số thị trường lớn, tiềm ẩn rủi ro.
Ngoài ra, dù quá trình thực thi các FTA đã đem lại kết quả khả quan, song theo đánh giá của giới chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội bởi năng lực sản xuất hạn chế, chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các điều kiện ưu đãi thuế quan trong các FTA đã ký kết.
Thị phần hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ chiếm gần 2% trong tổng quy mô nhập khẩu khoảng 2,1 nghìn tỷ euro của thị trường EU. Việc mở rộng thêm thị phần tại khu vực này thời gian tới cũng không hề đơn giản khi tình hình quốc tế dự báo vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro suy thoái kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng.
Dù những tháng cuối năm, hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu chịu nhiều ảnh hưởng bởi ảnh hưởng của lạm phát, song một số chuyên gia cho rằng đó chỉ là khó khăn mang tính giai đoạn. Các doanh nghiệp, ngành hàng có đầu tư cho chiến lược phát triển bền vững sẽ có cơ hội tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong dài hạn.
Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) Trần Phú Lữ nhận định, dự báo khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang các tháng đầu năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào diễn biến lạm phát, các biện pháp phòng, chống dịch của các nước lớn, tình hình kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vươn lên, tiếp tục giữ vững sự tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở tận dụng hiệu quả các lợi thế đang có.
Cụ thể, ưu đãi thuế quan của các FTA đã ký kết, nhất là các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Trong khi đó, hàng xuất khẩu Việt Nam đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, nhất là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, điện thoại các loại và linh kiện - những mặt hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu.
Các chuyên gia khuyến nghị, để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, Nhà nước cần tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ thông qua cơ chế thuế và tài chính tín dụng với từng đối tượng cụ thể.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại cần được triển khai một cách hiệu quả hơn để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng mới, mở rộng thị trường xuất khẩu. Về phía doanh nghiệp cũng cần xem xét lại cách thức tổ chức vận hành để giảm chi phí và hạ giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn khó khăn này.
PGS, TS Ðinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng hơn trong giao thương quốc tế, nhất là trước những biện pháp phòng vệ thương mại mà nhiều nước áp đặt cho hàng hóa nhập khẩu, trong đó có các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, kể cả những nguy cơ rủi ro đến từ việc lừa đảo,... Những rào cản này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin để lường trước và có phương án ứng phó kịp thời, tránh những rủi ro, tổn thất cho hàng hóa xuất khẩu.
Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường, tranh thủ cơ hội của từng thị trường, mặt hàng để đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo đó, Bộ sẽ tập trung hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết, đa dạng hóa thị trường để hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống; đặc biệt, tranh thủ bối cảnh các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép;... nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước; có những định hướng giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Cùng với đó, triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống thương vụ Việt Nam, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách mới của từng thị trường, tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()