Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:50 (GMT +7)
Biến động toàn cầu ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam
Thứ 5, 16/06/2022 | 15:40:31 [GMT +7] A A
Môi trường kinh tế, chính trị toàn cầu năm 2022 được dự báo là bất ổn hơn, gây ra những khó khăn mới cho nền kinh tế thế giới.
Tính đến thời điểm này, triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 của hầu hết các ngành kinh tế được dự báo tích cực. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 7% từ năm 2023.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận một thực tế là khó khăn đối với kinh tế đang ngày càng lớn khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, cùng với đó là bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế có nhiều biến động.
Môi trường kinh tế, chính trị toàn cầu năm 2022 cũng được dự báo là bất ổn hơn, gây ra những khó khăn mới cho nền kinh tế thế giới. Cuộc xung đột đang tiếp diễn giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá nguyên nhiên liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu liên tục tăng cao.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã trải qua hơn 10 lần điều chỉnh giá. Trong lần điều chỉnh mới đây, giá xăng RON95 tăng lên hơn 32.000 đồng/ lít, giá dầu lên hơn 29.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn được dự báo sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi nhu cầu ở Trung Quốc sắp phục hồi, làm khan hiếm hơn nữa thị trường dầu toàn cầu.
Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá: "Lạm phát đang tác động đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Có thể nhận thấy là chi phí vận tải đang tăng cao. Áp lực chi phí có thế nói là không nhỏ đối với nhiều ngành kinh tế của Việt Nam".
"Lạm phát sẽ ảnh hưởng tới quá trình sản xuất kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Giá cả leo thang cũng ảnh hưởng tới tiêu dùng của người dân trong nước, ảnh hưởng tới tiêu dùng của Chính phủ và hoạt động chi tiêu của các tác nhân khác nhau của nền kinh tế. Như vậy có thể ảnh hưởng đến tổng cầu của nền kinh tế", TS Lê Duy Bình - Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam nhận định.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của năm tháng đầu năm 2021. CPI tăng chủ yếu là do ảnh hưởng từ giá xăng dầu. Kiềm chế giá nguyên liệu cũng là thách thức không nhỏ được đặt ra cho việc điều hành kiểm soát lạm phát, kiềm chế giá cả lúc này.
Chính phủ đã và đang triển khai các giải pháp quyết liệt; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường. Đến nay, mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát; chỉ số lạm phát tăng nhẹ, mức 1,1% so với cùng kỳ 2021.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()