Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:32 (GMT +7)
Biến cố nguy hiểm của tăng axit uric trong máu
Thứ 5, 08/07/2021 | 09:16:18 [GMT +7] A A
Do axit uric tăng cao trong máu có liên quan đến việc ăn nhiều đạm động vật và uống nhiều rượu bia, đây là lý do nam giới bị bệnh tăng axit uric nhiều hơn phụ nữ. Nhất là ngày nay kinh tế xã hội phát triển, thay đổi trong lối sống, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh dẫn đến nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe…
Nguyên nhân do đâu?
Có nhiều nguyên nhân tăng axit uric máu. Theo các nhà nghiên cứu, một số nguyên nhân chính sau có thể gây lên tình trạng tăng axit uric máu, trong đó thường gặp nhất là nhóm suy giảm khả năng bài xuất axit uric ở ống thận tiên phát đa nguyên nhân, đặc biệt trong trường hợp ăn nhiều thức ăn chứa nhân purin, nghiện rượu. Loại này thường có tính chất gia đình, khởi phát thường do uống quá nhiều rượu. Đây là nhóm hay gặp nhất (90% các trường hợp).
Nhóm nguyên nhân còn lại chiếm khoảng 10% là tình trạng tăng axit uric thứ phát: Do tăng sản xuất axit uric do ăn uống nhiều thức ăn có nhân purin (đặc biệt các thịt màu đỏ như chó, bò, dê, cá biển...); uống nhiều rượu; do tăng hủy tế bào gặp trong bệnh đa u tủy xương, thiếu máu tan máu, bệnh bạch cầu (leucemia), dùng hoá chất gây độc tế bào điều trị ung thư; bệnh vẩy nến,... Tăng axit uric thứ phát còn do giảm bài tiết axit uric ở thận. Nhóm này có các nguyên nhân như nghiện rượu, suy thận mạn tính, tăng huyết áp, tình trạng nhiễm toan ceton trong đái tháo đường hay nhịn đói lâu ngày, tình trạng nhiễm toan lactic ở người nghiện rượu.
Một trong những nguyên nhân gây giảm bài tiết axit uric là do sử dụng thuốc. Các thuốc thường gặp là aspirin liều thấp; phenylbutazone liều thấp; đa số các thuốc lợi tiểu dùng kéo dài (trừ nhóm spironolactone) như thiazide, furosemide; thuốc điều trị lao như ethambutol, pyrazinamind; các thuốc acid ethacrynic, acid nicotinic...
Ngoài ra, còn có nhóm tăng tạo axit uric nguyên phát (bẩm sinh) . Đây là nhóm nguyên nhân hiếm gặp chỉ dưới 1% do có các bất thường về enzym: Thiếu hụt hoàn toàn hoặc một phần enzym hypoxanthine guanine phosphoribosyl transferase (HGPRT), hoặc do tăng hoạt tính của enzym phosphoribosyl pyrophosphate (PRPP).
Những hệ lụy
Nhiều người cho rằng tăng axit uric máu là bệnh Gout tuy nhiên điều này là quan niệm sai lầm vì chỉ coi là có bệnh Gout khi tăng acid uric máu đi kèm với sự lắng đọng axit uric và gây tổn thương ở khớp hay những tổ chức khác.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng tăng axit uric máu không chỉ liên quan với bệnh Gout mà còn thấy sự liên quan giữa tăng axit uric máu với một số bệnh lí chuyển hóa khác như: suy tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ không do rượu,…
Các nhà khoa học cho rằng tăng axit uric máu được tìm thấy ở 60% bệnh nhân nhập viện vì suy tim mạn tính mất bù. Thêm vào đó, tăng axit uric máu liên quan tới tình trạng đề kháng insulin, thiếu ôxy mô, tăng sản xuất cytokine và các gốc tự do có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch.
Ở những bệnh nhân tăng axit uric máu có 20,1% bị hội chứng chuyển hóa, trong khi ở bệnh nhân không tăng axit uric máu thì con số này là 15,3%. Đồng thời, tăng axit uric máu có liên quan với tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột tử do tim ở những bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa.
Nguy cơ tăng huyết áp (THA) cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân có axit uric máu cao trên 400µmol/l so với những người có axit uric máu dưới 200µmol/l. Trong số những bệnh nhân THA không điều trị, hiện tượng suy giảm dòng máu động mạch vành ở người có kèm tăng axit uric máu cao hơn đáng kể so với người có axit uric máu bình thường. Như vậy, tăng axit uric máu liên quan với THA và là một yếu tố nguy cơ độc lập của tổn thương cơ quan đích trong bệnh THA.
Một số nghiên cứu cho thấy, khoảng 25% những người bị đái tháo đường týp 2 có tăng axit uric máu, nồng độ axit uric máu liên quan trực tiếp với lượng albumin bài xuất ra nước tiểu. Những người nam giới bị Gout có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường trong tương lai. Trong số các bệnh nhân Gout có khoảng 20% bị tăng cholesterol và lên tới 40% bị tăng triglycerid máu.
Do đó, những người có axit uric máu cao, dù chưa bị bệnh gút, cũng cần theo dõi chặt chẽ trị số acid uric của mình và tầm soát những bệnh lý chuyển hóa khác có liên quan như nói trên.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()