Từ chối điều trị kháng sinh kịp thời cho trẻ bị thủy đậu bội nhiễm có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết, tử vong.
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận trường hợp phụ huynh từ chối chỉ định kháng sinh khi con mắc thủy đậu. Theo chị Tâm (32 tuổi, Bắc Ninh), chỉ cần bôi thuốc sát khuẩn vào nốt mụn và đợi khi hết virus là bé sẽ tự khỏi bệnh. "Tôi nghĩ dùng kháng sinh không trị được bệnh, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, có hại cho sức khỏe", chị Tâm nói.
Nhận xét về trường hợp này, bác sĩ Phan Thị Thu Minh - Phó Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, trường hợp thủy đậu không có biến chứng sẽ tự khỏi sau một thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh không được phát hiện sớm, điều trị tích cực dễ bị bội nhiễm. Lúc này, trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm mô tế bào, viêm cơ, nhiễm khuẩn mô mềm hoại tử, nhiễm trùng huyết, viêm phổi,... thậm chí tử vong.
Về bản chất, thủy đậu do virus varicella zoster gây ra, kháng sinh không thể diệt trừ được virus, không giúp hạn chế các nốt mụn phỏng nước trên da. Tuy nhiên khi có dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn, bệnh cần điều trị bằng kháng sinh để ngăn ngừa biến chứng.
Tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, trước khi chỉ định cho trẻ sử dụng kháng sinh, bác sĩ thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và đánh giá mức độ tổn thương. Việc sử dụng kháng sinh xây dựng theo phác đồ cá thể hóa, dựa trên nhiều yếu tố: mức độ bệnh tật, nguồn lây, vi khuẩn từng được phân lập trước đó, tiền sử sử dụng kháng sinh trong vòng 30 ngày, bệnh nền, các yếu tố ngoại cảnh (mô hình vi khuẩn của địa phương, độc tính của thuốc, tương tác thuốc)...
Tuy nhiên, khi sử dụng kháng sinh điều trị thủy đậu bội nhiễm, phụ huynh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng tùy tiện có thể gây kháng kháng sinh, khiến thuốc không còn khả năng tiêu diệt vi khuẩn, gây khó khăn trong điều trị.
Thủy đậu bội nhiễm có biểu hiện rõ ràng. Những nốt mụn ban đầu chứa chất dịch màu trong sau khoảng 24 giờ sẽ chuyển sang đục hoặc vàng do hóa mủ, quầng đỏ xung quanh nốt phỏng lan rộng. Đồng thời, trẻ có thể bị sốt kéo dài, đau đầu, ho nhiều, tim đập nhanh, chóng mặt, khó thở, run, chậm chạp, các cơ mất phối hợp, mất phương hướng, nôn mửa... Lúc này phụ huynh cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế điều trị.
Để phòng tránh trường hợp thủy đậu bội nhiễm, trong quá trình chăm sóc trẻ, phụ huynh lưu ý không để nốt mụn nước bị nhiễm trùng, tránh để trẻ gãi hoặc cậy mụn; tham khảo bác sĩ sử dụng thuốc kháng histamin để giảm triệu chứng; không nên kiêng tắm mà cần vệ sinh sạch sẽ, nhẹ nhàng bằng nước ấm và khăn mềm; có thể dùng xanh methylen hoặc thuốc tím 1/4000 chấm nhẹ lên nốt mụn. Bé cần ăn thức ăn dễ tiêu hóa, tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc cay nóng, bổ sung vitamin C và kẽm để tăng cường sức đề kháng.
Bác sĩ Thu Minh cho biết thêm, virus gây bệnh thủy đậu không mất đi mà có thể trú ngụ trong các tế bào, hạch thần kinh ở dạng bất hoạt. Khi gặp điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể suy nhược, mắc bệnh mạn tính,... virus này sẽ tái hoạt, gây nên bệnh zona thần kinh trong tương lai. Vì vậy, cách tốt nhất là tiêm vaccine phòng ngừa bệnh.
Ý kiến ()