Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:40 (GMT +7)
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác phòng dịch và hoạt động sản xuất tại KCN Việt Hưng
Thứ 7, 28/08/2021 | 19:36:04 [GMT +7] A A
Ngày 28/8, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình hoạt động sản xuất tại KCN Việt Hưng, TP Hạ Long. Cùng đi có đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
KCN Việt Hưng hiện có 12 dự án đầu tư (6 dự án FDI và 6 dự án trong nước) với tổng số vốn đăng ký 85,46 triệu USD và 6.101 tỷ đồng. Đến thời điểm này tại KCN đã có 7 dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất.
Cụ thể, các dự án thuộc Tập đoàn Vĩnh Trọng (Đài Loan, Trung Quốc) đang có gần 3.000 lao động làm việc, chủ yếu là lao động ở địa bàn huyện Hoành Bồ cũ với mức thu nhập ổn định từ 8-9 triệu đồng/người/tháng, gồm: Dự án may mặc của Công ty Weitai, có tổng vốn đầu tư 8 triệu USD, đã đi vào sản xuất từ tháng 6/2019 với công suất hơn 300.000 áo sơ mi, 9,5 triệu sản phẩm khăn tay, mũ/năm; Dự án may mặc của Công ty Weili, có tổng số vốn đầu tư 33 triệu USD đang hoạt động thử từ ngày 15/8/2021, dự kiến hoàn thiện để sản xuất ổn định từ ngày 1/11 tới đây, có công suất 1,22 triệu sản phẩm/năm, liên kết với các thương hiệu lớn quốc tế như Adidas, Stika, Carhart và xuất khẩu sang thị trường quốc tế như Mỹ, Canada, Chi-lê, EU, Hàn Quốc.
Riêng các dự án của Tập đoàn Thành Công như Trung tâm dịch vụ hạ tầng ô tô và Nhà máy ô tô đang khẩn trương xây dựng trên tổng diện tích 340ha.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, 6 tháng năm 2021, các doanh nghiệp FDI đã thực hiện xuất khẩu đạt 154,68 triệu USD, doanh thu từ các doanh nghiệp trong nước đạt 1.022 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 4.000 lao động. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, bám sát các chỉ đạo của BCĐ Phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, các doanh nghiệp đã triển khai nghiêm túc các yêu cầu, hướng dẫn của tỉnh về việc xây dựng quy trình phòng, chống dịch tại KCN.
Điển hình tại các dự án thuộc Tập đoàn Vĩnh Trọng, đã duy trì thực hiện công tác phòng, chống dịch hiệu quả thông qua việc kiểm soát thân nhiệt tại cổng ra vào, quét mã QR code, thường xuyên tăng cường vệ sinh khử khuẩn. Bên cạnh đó, đã bố trí hệ thống thông gió, lắp đặt camera giám sát thực hiện và hỗ trợ truy vết tại các vị trí. Tại các bếp ăn tập trung đã thực hiện giữ khoảng cách từ 1m trở lên, trong lúc ăn đều có tấm chắn ngăn cách, tránh nói chuyện trong bữa ăn, tránh ăn chung. Các đơn vị cũng đã thực hiện sắp xếp người lao động cố định theo ca làm việc, tổ chức bố trí 13 xe đưa đón người lao động hàng ngày từ nơi ở tới nơi làm việc, 70% người lao động đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19; duy trì xét nghiệm tầm soát sàng lọc Covid-19 chủ động đối với 20% người lao động mỗi tuần….
Tại buổi kiểm tra, đại diện doanh nghiệp cũng đã bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ, chia sẻ, đồng hành của tỉnh Quảng Ninh trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, tỉnh đã có các biện pháp rất hiệu quả, kịp thời trong phòng, chống dịch bệnh, mang lại môi trường an toàn – đây chính là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp không chỉ ổn định sản xuất kinh doanh, mà còn mở rộng quy mô, năng lực sản xuất.
Qua kiểm tra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký đánh giá cao các doanh nghiệp, đã bám sát và triển khai nghiêm túc Quy trình phòng chống dịch đối với các KCN, nhà máy theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Đồng thời, tận dụng những điều kiện an toàn về dịch bệnh để đẩy mạnh sản xuất với các mặt hàng có thương hiệu quốc tế và giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – động lực tăng trưởng chính trong khu vực công nghiệp - xây dựng của tỉnh với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 34,7%.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Điều này càng khẳng định ý nghĩa quan trọng, tính hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép trong bối cảnh khu vực du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19.
Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã dành nhiều thời gian lắng nghe và trực tiếp giải đáp tất cả đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng chí chỉ đạo ngành Y tế khẩn trương tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 30% người lao động còn lại tại các nhà máy của Tập đoàn Vĩnh Trọng đặt tại KCN Việt Hưng nhằm bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, công nhân, duy trì sản xuất ổn định, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Đồng chí lưu ý các doanh nghiệp cần có cách tổ chức thực hiện xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động theo hướng khoa học, hợp lý, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ, chưa được tiêm vắc xin, đảm bảo hiệu quả, thiết thực và tránh gây lãng phí nguồn lực. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật đối với việc nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, đảm bảo không bị đứt chuỗi sản xuất; tạo thuận lợi đón chuyên gia theo đúng quy định về phòng, chống dịch.
Đối với việc doanh nghiệp đề xuất bố trí vị trí đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng đây là một nhu cầu chính đáng nhằm đảm bảo cho người lao động gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp, với tỉnh và được an toàn về mọi mặt, nhất là về giao thông, dịch bệnh. Do đó, TP Hạ Long phối hợp cùng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phải khảo sát ngay vị trí, báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo cụ thể và phê duyệt.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, tỉnh Quảng Ninh cam kết luôn nỗ lực để đảm bảo các yêu cầu an toàn về dịch bệnh, an ninh trật tự và an toàn môi trường đầu tư để phục vụ phát triển doanh nghiệp. Đồng chí mong muốn, doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh hoàn thiện các dây truyền của Dự án may mặc của Công ty Weili, cố gắng phấn đấu ngày 1/11 tới đây sẽ đưa ra sản phẩm mới, tập trung tăng sản lượng những sản phẩm có giá trị cao trong quý 4/2021.
Riêng Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị dẫn điện, tản nhiệt và các sản phẩm chiếu sáng, doanh nghiệp cần đẩy nhanh thủ tục đầu tư, xây dựng để có thể đi vào hoạt động trong quý I năm 2022 và chậm nhất đến ngày 30/4/2022 sẽ có sản phẩm. Để có nguồn lao động phục vụ vận hành, doanh nghiệp cần vận dụng các cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh để triển khai ngay việc đào tạo, cung cấp nguồn lao động.
Tại buổi kiểm tra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động ảnh hưởng tới bức tranh kinh tế nói chung và đời sống người lao động nói riêng, cùng với ngành khai khoáng, việc phát huy giữ vững vai trò trụ cột sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có ý nghĩa quyết định tới sự thành công mục tiêu tăng trưởng GRDP 2 con số năm 2021 của tỉnh. Do đó, các cấp, các ngành đều phải phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các KCN và nhà đầu tư thứ cấp để triển khai các biện pháp đảm bảo mục tiêu “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn đối với dịch bệnh” và động viên tăng sản lượng tối đa trong quý 4/2021.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()