Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:47 (GMT +7)
Bị ong đốt, nhiều người sốc phản vệ nguy kịch
Thứ 2, 09/09/2024 | 10:40:22 [GMT +7] A A
Sốc phản vệ sau khi bị ong đốt là một dạng phản ứng dị ứng cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ngày 9/9, BS Nguyễn Tấn Phát, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, những ngày qua, bệnh viện liên tục tiếp nhận, điều trị cho 3 trường hợp sốc phản vệ sau khi bị ong đốt.
Trường hợp thứ nhất là bé T.T.N. (6 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh), được gia đình đưa đến khoa Cấp cứu trong tình trạng nổi mề đay rải rác toàn thân, kèm sốt. Mẹ bé cho biết, trước nhập viện, bé N. bị ong đốt 2 mũi vào tay khi đang đi ngoài sân. Ngay sau đó, toàn thân bệnh nhi bị nổi mề đay, đau nhức.
Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc phản vệ do nọc độc của ong gây ra. Các bác sĩ đã tiến hành xử trí hồi sức cho bệnh nhi, tích cực điều trị theo phác đồ sốc phản vệ. Sau nhập viện 3 ngày, sức khỏe bệnh nhi đã bình phục tốt.
Một trường hợp khác là anh N.V.T. (34 tuổi, ngụ Tây Ninh), nhập viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, khó thở. Theo bệnh sử, trước đó anh T. đang dọn vườn thì bị một con ong vò vẽ đốt vào vùng đùi. Sau chẩn đoán sốc phản vệ do ong đốt, các bác sĩ đã thực hiện quy trình cấp cứu, điều trị tích cực cho người bệnh. Sau 24 giờ điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định.
Trường hợp thứ ba là bà V.T.T. (48 tuổi, ngụ tại tỉnh Tây Ninh) nhập viện với gần 20 vết ong đốt trên khắp cơ thể. Khai thác bệnh sử, các bác sĩ ghi nhận, trong lúc đang đi bộ ngoài đường, bà T. bị tổ ong vò vẽ rớt trúng người. Bầy ong vỡ tổ đã bay ra tấn công nạn nhân. Nhờ nhập viện sớm và điều trị tích cực nên người bệnh đã qua được giai đoạn nguy hiểm.
Trước đó, tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng đã tiếp nhận bệnh nhi N.T.T.H. (11 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An), nhập viện trong tình trạng cơ thể bị 52 vết đốt của ong vò vẽ. Bé H. đã bị biến chứng, suy đa cơ quan, nguy kịch tính mạng. Các bác sĩ đã cho bệnh nhi thở máy, lọc máu liên tục và điều trị tích cực. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhi đã qua được nguy kịch.
Theo BS Tấn Phát, ong vò vẽ là loài có nọc độc rất mạnh, khi bị đốt, tùy theo số lượng nốt đốt mà người bệnh có các biểu hiện như: đau nhức tại vết đốt, nổi mề đay, sốc phản vệ gây khó thở, tụt huyết áp, nặng hơn là trụy tim mạch (sốc phản vệ nặng không được xử lý kịp thời), biến chứng suy thận, tổn thương gan rối loạn đông máu...
Sốc phản vệ sau khi bị ong đốt là một dạng phản ứng dị ứng cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời. Bác sĩ khuyến cáo, trường hợp bị ong đốt, cần nhanh chóng làm sạch vết thương, dùng vật cứng nhẹ nhàng lấy ngòi ong ra (không dùng tay nặn) và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các biện pháp dân gian khi chưa có chỉ dẫn từ bác sĩ.
Để phòng tránh bị ong vò vẽ đốt, người dân nên cẩn trọng khi làm việc ngoài trời, đặc biệt ở những khu vực có nhiều cây cối, bụi rậm, không chọc phá tổ ong...
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()