Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:28 (GMT +7)
Bị ong đốt 150 nốt, bé gái 18 tháng tuổi nguy kịch
Thứ 2, 09/08/2021 | 22:07:13 [GMT +7] A A
Các vết đốt tập trung nhiều ở vùng mặt khiến bé gái nhanh chóng rơi vào nguy kịch, kèm theo hiện tượng khó thở, tím tái.
Theo thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, chỉ trong 2 tuần, cơ sở y tế này tiếp nhận cấp cứu cho 7 trẻ bị ong đốt. Trong đó, nhiều trường hợp bị nguy kịch, sốc phản vệ, biến chứng suy đa tạng. Các bác sĩ khoa Hồi sức Tích cực Chống độc đã nỗ lực cấp cứu, lọc máu liên tục, nhờ đó, nhiều bé trong tình trạng rất nặng đã qua cơn nguy kịch.
Điển hình là trường hợp của bé H.Y.N., 18 tháng tuổi, trú tại huyện Nghĩa Đàn. Khi đang nấu ăn trong bếp, mẹ bé nghe tiếng con gái khóc thét và hoảng hốt khi thấy hai anh em đang bị đàn ong lớn bu kín. Bé N. còn quá nhỏ nên không thể chạy trốn nên bị đàn ong tấn công nhiều.
Sau đó, bé N. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc và chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Tại đây, ê-kíp cấp cứu nhận thấy tình trạng của bệnh nhi rất nguy kịch, đau đớn nhiều, cơ thể có trên 150 nốt sưng phù do ong đốt. Các vết đốt tập trung nhiều ở vùng đầu mặt (khoảng 100 nốt), kèm theo hiện tượng khó thở, tím tái.
Các chỉ số xét nghiệm cho thấy bé N. bị suy đa cơ quan, chức năng gan và thận suy giảm. Ê-kíp chẩn đoán bệnh nhân sốc phản vệ mức độ nặng, biến chứng rối loạn đông máu. Các bác sĩ tích cực điều trị theo phác đồ sốc phản vệ phối hợp lọc máu liên tục.
Sau 8 ngày lọc máu liên tục, thường xuyên báo động tình trạng tử vong cao, bé N. cuối cùng đã đáp ứng phác đồ điều trị và dần hồi tỉnh. Các chỉ số cơ thể trở lại bình thường.
Theo BSCKI Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, mùa hè là thời điểm khoa ghi nhận nhiều trường hợp bị ong đốt phải nhập viện điều trị. Ong đốt là tai nạn thường hay gặp ở trẻ em do hành động đùa giỡn, hiếu động và chưa ý thức được sự nguy hiểm khi vô tình động đến tổ ong. Một số trường hợp bị nhiều vết chích gây tình trạng rất nguy kịch, có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
Khi bị ong đốt, bệnh nhân cần được sơ cứu, xử trí ban đầu, theo dõi y tế ngay lập tức bởi các phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, ngộ độc nọc ong có thể xuất hiện nhanh chóng. Ngộ độc nọc ong là biểu hiện toàn thân. Nọc ong vào cơ thể gây độc làm phá vỡ các tế bào, cơ quan bị tổn thương, cuối cùng suy đa phủ tạng.
Ngay khi phát hiện trẻ bị ong đốt, phụ huynh cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân tới khu vực an toàn, tránh bị bị đốt nhiều hơn. Nạn nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất ngay khi có một trong các dấu hiệu sau: Có nhiều vết đốt, bị đốt vào các vùng đầu mặt, cổ kèm theo dấu hiệu phù nề lan nhanh; toàn thân sốt, mệt mỏi, khó thở, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu, bị dị ứng, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt.
Để chủ động phòng tránh, phụ huynh không nên để cây cối mọc rậm rạp xung quanh nhà khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()