Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:34 (GMT +7)
“Bí ẩn nữ tính”: Đâu chỉ là câu chuyện nữ quyền
Thứ 6, 20/05/2022 | 07:57:08 [GMT +7] A A
Có thể đọc như thế nào với một cuốn sách được viết từ năm 1963 về một chủ đề tưởng như cũ rích: nữ quyền? Đặc biệt đó là một cuốn sách dày hơn 500 trang-với bản in chỉn chu, nằm trong Tủ sách giới và phát triển: Phụ nữ Tùng thư của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Nhưng Betty Friedan đã làm được việc lôi cuốn người đọc theo cách riêng qua hơn hơn 500 trang sách của bà, cũng như cách bà đã thay đổi cuộc đời hàng triệu phụ nữ với “Bí ẩn nữ tính”.
Độc giả có thể tiếp cận lần lượt hoặc từng phần qua 14 chương chính trong tổng thể bản hùng biện sống động và tha thiết này của Friedan, như “Vấn đề không tên”, “Khủng hoảng bản sắc nữ”, “Cái tôi bị tước mất”, “Kế hoạch cuộc đời mới cho phụ nữ”…
Không phải là một cuốn shelf-help, cho dù có thể rút ra vô số đúc kết gợi mở hành động, tác giả đã trình bày với độc giả thông điệp của mình một cách thận trọng với sự tiếp cận của một nhà nghiên cứu “xuyên qua tâm lý học, xã hội học và lịch sử”. Có điều, dưới ngòi bút của bà, chúng được soi rọi và không ngừng phản biện bằng thực tế-những câu chuyện người thật việc thật có thể làm ta bàng hoàng, xúc động tự vấn.
Vấn đề không tên
“Tôi bắt đầu thấy mình không có tính cách”, “Tôi chỉ thấy mình không sống”, “Tôi chưa từng có bất cứ tham vọng nghề nghiệp nào”… Những chia sẻ như vậy của không ít phụ nữ “suốt ngày cắm mặt vào bồn rửa bát” đã được Betty Friedan chỉ ra rằng đó là sự bất mãn đau đớn mà phụ nữ phải chịu đựng khi gánh trên vai danh nghĩa “nữ tính” mà về bản chất là không có gì khác ngoài công việc nội trợ “chỉ để giết thời gian thừa”. Nhiều nhân vật bà nội trợ hạnh phúc đã không thực sự hạnh phúc như quảng cáo mà nhiều khi không biết vì sao? Họ làm tất cả công việc gia đình hằng ngày, đưa đón con đi học, tham gia các câu lạc bộ và đêm đêm vẫn tự hỏi: “Có vậy thôi sao?”. Họ tìm đến bác sĩ để chữa những căn bệnh mà không thực sự biết nó khởi nguồn từ đâu…
“Tôi biết ơn Chúa đã ban cho tôi gia đình, tổ ấm và cơ hội được chăm sóc họ, nhưng cuộc đời tôi không thể dừng lại ở đó.” Tác giả gọi tên một vấn đề không tên và bằng cách nhìn mới với vấn đề đã cũ, bà lên tiếng để khẳng định cái tiếng nói khuấy động tâm can phụ nữ ấy cần được lắng nghe: Nếu tôi đúng, thì vấn đề không tên này khuấy động tâm trí của rất nhiều phụ nữ Mỹ hiện nay, vấn đề ấy không phải chuyện đánh mất nữ tính, học hành quá nhiều hay các nhu cầu nội trợ. Nó quan trọng hơn nhiều, nhiều hơn bất cứ ai nhận ra. Nó là chìa khoá mở ra các vấn đề cũ mới khác, thứ đã hành hạ phụ nữ, chồng con họ, đánh đố các bác sĩ và nhà giáo dục từ lâu. Nó cũng là chìa khoá mở cửa tương lai chúng ta với tư cách một quốc gia, một nền văn hoá. Chúng ta không thể bỏ qua giọng nói bên trong phụ nữ, giọng nói bảo: “Tôi muốn thứ gì đó hơn chồng con và tổ ấm của mình”.
Không chỉ phụ nữ mà là cả đàn ông
Điều đáng nói là mặc dù chỉ ra không khoan nhượng sự xáo trộn ghê gớm trong không gian tinh thần phụ nữ Mỹ từ cách đây gần 6 thập niên, nhưng tác giả không giải quyết nó bằng sự đối lập giới. Bà viết ngay trang đầu cuốn sách: “Tặng tất cả những người phụ nữ mới và những người đàn ông mới”.
Thật vậy, sự tiếp cận này dẫn dụ độc giả đi xa hơn cùng tác giả trong nỗ lực đánh thức khao khát con người với đầy đủ ý thức về bản sắc và vị thế cá nhân.
Đây là những chia sẻ của bà: “Làm công việc mà bạn có khả năng làm là dấu ấn của sự trưởng thành”
“Điều người ta nói về công việc của bà nội trợ Mỹ cũng đúng không kém khi nói về công việc của phần lớn đàn ông Mỹ trong các dây chuyền lắp ráp hoặc ở văn phòng: Công việc nào không dùng hết khả năng của một người thì sẽ để lại trong lòng anh ta một nhu cầu trống rỗng cần được giải thoát – ti vi, rượu, thuốc an thần, tình dục”.
“Làm sao ta thực sự hiểu hay yêu nhau chừng nào ta vẫn còn đóng những vai trò ngăn mình hiểu và là chính mình?”
“Chẳng phải đàn ông đang chết quá trẻ, khi kiềm nén nỗi sợ hãi, nước mắt và sự mềm yếu của mình đó sao? Dường như với tôi đàn ông không thực sự là kẻ thù-họ là nạn nhân bằng hữu gánh chịu bí ẩn nam tính cổ lỗ…”
“Cách duy nhất cho phụ nữ, cũng như cho đàn ông, để tìm kiếm bản thân, để hiểu mình với tư cách con người, là bằng công việc sáng tạo của riêng mình.”
Một câu chuyện dài cho hôm nay và ngày mai
Nữ nhà báo, nhà phê bình người Mỹ Anna Quindlen trong Lời bạt cuốn sách kể một câu chuyện xúc động về chính người mẹ của mình. Bà có mọi thứ được xem là cần thiết với một phụ nữ sau Thế chiến thứ hai: Một ông chồng có công việc tốt, năm đứa con khoẻ mạnh, một ngôi nhà đáng yêu… Nhưng bà cũng giấu trong ngăn kéo tủ những tập vẽ đã ngả vàng từ thời trung học. Và đôi khi trên vỏ những quả trứng bà luộc cho các con mang tới trường có những hình vẽ bằng màu nước… Những đứa con đã đập vỡ những quả trứng ấy mà chẳng nghĩ ngợi gì.
Có thể nói “vấn đề không tên”, hay “bí ẩn nữ tính” cho dù đọc cách nào cũng sẽ gây cho độc giả một sự xúc động về ý nghĩa của việc được sống sâu sắc trong cuộc đời, mà “nữ quyền” thật ra chỉ là một cách gọi tên. Đúng như Bette Friedan đã bày tỏ dịp kỷ niệm 10 năm xuất bản cuốn sách: “Tôi chưa bao giờ trải qua điều gì mạnh mẽ, thực sự bí ẩn như những xung lực dường như đã chiếm hữu tôi khi viết Bí ẩn nữ tính…Cho nó cái tên, tôi biết nó hoàn toàn không phải là vũ trụ duy nhất dành cho phụ nữ mà là sự giam hãm phi tự nhiên sức lực và tầm nhìn của chúng ta.”
Và như thế, đây cũng đâu chỉ là câu chuyện của hôm qua?!
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()