Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:50 (GMT +7)
Bí ẩn 'bệnh nhân số 0' tại Triều Tiên
Thứ 6, 13/05/2022 | 15:23:15 [GMT +7] A A
Từ những tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng cùng với nguồn thông tin khan hiếm, các chuyên gia quốc tế đang phải “đoán mò” về nguồn gốc của đợt bùng phát dịch đầu tiên ở Triều Tiên.
Ngày 12/5, KCNA cho biết hơn 350.000 người đã được điều trị khi cơn sốt không rõ nguồn gốc lan rộng trên toàn quốc kể từ cuối tháng 4, trong đó 162.200 người đã hồi phục.
Chỉ tính riêng hôm 11/5, Triều Tiên ghi nhận 18.000 ca mắc mới. Hiện 187.800 người đang được cách ly để điều trị. Tuy nhiên, tổng số ca mắc vẫn là ẩn số, theo AP.
KCNA cho biết thêm ít nhất 6 người có triệu chứng sốt đã tử vong, một trong số đó được xác nhận nhiễm biến chủng Omicron.
Cho đến nay, Triều Tiên vẫn chưa thông báo về nguồn gốc đợt bùng phát dịch lần này.
Dịch có thể bắt nguồn từ đâu?
Triều Tiên là một trong những quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới vào tháng 1/2020 sau khi loại virus này xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc. Các biện pháp nghiêm ngặt đã được áp đặt, bao gồm phong tỏa biên giới, thắt chặt hạn chế đối với việc di chuyển trong nước, trục xuất các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ nước ngoài.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng vẫn có kẽ hở cho virus xâm nhập vào nước này.
Họ nghi ngờ virus có thể đến từ một người vượt biên trái phép từ Trung Quốc hoặc qua động vật bị nhiễm bệnh, như chim hoặc lợn rừng, qua biên giới một cách tự do.
Triều Tiên và Trung Quốc đã đình chỉ thương mại đường sắt vào tháng 4 năm nay do lo ngại của Bình Nhưỡng về việc lây nhiễm dịch bệnh, nhưng các chuyến hàng vận chuyển đường biển vẫn tiếp tục.
Tháng 7/2020, Triều Tiên ghi nhận ca mắc Covid-19 nhập cảnh đầu tiên sau khi một công dân từng đến Hàn Quốc năm 2017 vượt biên trái phép trở về nước.
Khi đó, ông Kim Jong Un lập tức phong tỏa thành phố Kaesong gần biên giới với Hàn Quốc.
Chuyên trang NK News có trụ sở tại Seoul viết: “Các thủy thủ Triều Tiên có thể bị nhiễm bệnh khi tương tác với thủy thủ đoàn khác, cuối cùng truyền virus cho nhân viên cảng”.
Nhiều nhà phân tích cũng tin rằng virus có thể đã lây lan khắp đất nước khi Triều Tiên tổ chức các ngày lễ lớn vào tháng 4 với nhiều sự kiện lớn ở Bình Nhưỡng. Hôm 25/4, Triều Tiên đã tổ chức một cuộc diễu hành quân sự lớn ở Bình Nhưỡng khi hàng nghìn người tham gia và khán giả đều không đeo khẩu trang.
"Mọi người từ khắp nơi trên đất nước đã tham dự những sự kiện này và có thể đã mang virus trở lại", Park Won Gon, giáo sư tại Đại học Ewha, nói với AFP.
Trước đó, KCNA còn cho biết một số người ở thủ đô Bình Nhưỡng đã mắc dòng phụ BA.2 của chủng Omicron. Mẫu bệnh phẩm được thu thập từ ngày 8/5. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng thực tế, virus này có thể đã lây lan ở Triều Tiên trước đó khá lâu, theo Wall Street Journal.
Việc tìm ra nguồn lây rất quan trọng để các nhà dịch tễ học tìm cách dịch bùng phát và làm thế nào để ngăn chặn đợt bùng phát tiếp theo trong tương lai. Tuy "bệnh nhân số 0" thường được hiểu là trường hợp đầu tiên trong một đợt dịch, người đầu tiên xuất hiện triệu chứng chưa chắc đã là người đầu tiên phơi nhiễm với virus. Dù vậy, theo thời gian, việc truy vết "bệnh nhân số 0" sẽ ngày càng khó khăn.
Cheong Seong Chang - nhà phân tích tại Viện Sejong của Hàn Quốc - cho biết tốc độ lan truyền của cơn sốt cho thấy cuộc khủng hoảng có thể kéo dài nhiều tháng. Chuyên gia này còn cho rằng khủng hoảng y tế có thể kéo dài tới tận năm 2023, gây ra sự gián đoạn lớn cho đất nước vốn có hệ thống y tế nhiều thiếu hụt, theo AP.
Dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang cần viện trợ?
Nguồn lây và quy mô dịch bệnh thực tế tại Triều Tiên vẫn chưa rõ ràng.
Một số chuyên gia cho rằng những tuyên bố ban đầu của Triều Tiên cho thấy nước này đang sẵn sàng nhận viện trợ từ bên ngoài. Trước đây, Bình Nhưỡng từ chối nhận các loại vaccine được cung cấp và phân phối bởi cơ chế COVAX.
“Giống như bất kỳ dữ liệu nào khác từ Triều Tiên, các số liệu còn đang được kiểm chứng và chúng tôi không hoàn toàn tin tưởng vào chúng”, New York Times dẫn lời Ahn Kyung Su - người điều hành DPRKHealth.org - nhận định. “Nhưng rõ ràng là Triều Tiên đang bùng dịch. Bằng cách công khai những con số đó, Triều Tiên phát đi tín hiệu họ đã sẵn sàng chấp nhận viện trợ liên quan đến Covid-19”.
DPRKHealth.org là một trang web và mạng lưới của các chuyên gia y tế công cộng nghiên cứu về Triều Tiên.
Mối nguy do bùng phát dịch Covid-19 ở Triều Tiên lớn hơn ở hầu hết quốc gia khác bởi vì có khả năng cao người dân nước này chưa được tiêm phòng. Các chuyên gia cảnh báo với tình trạng thiếu trầm trọng máy thở và phương tiện xét nghiệm, Triều Tiên có thể chứng kiến số lượng lớn ca tử vong, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
Ngoài ra, đợt bùng phát có thể làm gia tăng căng thẳng đối với nền kinh tế vốn đã khó khăn do hứng chịu lệnh trừng phạt và quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn duy nhất của Triều Tiên.
“Nhiều người dân Triều Tiên bị suy dinh dưỡng và không được tiêm chủng. Cơ sở hạ tầng y tế không đủ khả năng đối phó với đại dịch này”, New York Times dẫn lời Lina Yoon - nhà nghiên cứu cấp cao về Triều Tiên của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - cho biết.
“Cộng đồng quốc tế nên cung cấp thuốc cho các triệu chứng liên quan đến Covid-19, thuốc chống virus điều trị Covid-19, đồng thời cung cấp vaccine và tất cả cơ sở hạ tầng cần thiết để bảo quản vaccine, bao gồm tủ lạnh, máy phát điện và xăng”, bà nói thêm.
Những chuyên gia theo dõi Triều Tiên cho rằng nước này có thể phải chấp nhận viện trợ nhân đạo từ Trung Quốc và các nước khác để đối phó với đợt dịch này.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc - cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều - cho biết Seoul sẵn sàng cung cấp hỗ trợ y tế và các trợ giúp khác cho Bình Nhưỡng. Các quan chức Hàn Quốc hy vọng các chuyến hàng nhân đạo, bao gồm cả vaccine, có thể giúp tái khởi động đối thoại ngoại giao giữa Triều Tiên với Mỹ và các đồng minh.
Theo zingnews.vn
- Mỹ để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên sau các vụ phóng tên lửa
- Triều Tiên thông báo 6 ca tử vong đầu tiên vì Covid-19
- Triều Tiên lần đầu ghi nhận bùng phát Covid-19
- Mỹ chỉ trích 'hai thành viên' phản đối LHQ trừng phạt Triều Tiên, nghi là Nga và Trung Quốc
- Vụ phóng của Triều Tiên: Mỹ cho rằng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo
Liên kết website
Ý kiến ()