Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:52 (GMT +7)
BHXH tỉnh: Đồng hành vì mục tiêu an sinh xã hội
Thứ 3, 15/02/2022 | 09:38:43 [GMT +7] A A
Trước tác động của đại dịch Covid-19, BHXH Quảng Ninh bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc phối hợp triển khai hỗ trợ kịp thời đến hàng nghìn lao động bị mất việc làm, thu nhập, cũng như phục vụ hiệu quả các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Qua đó, khẳng định vai trò chính sách BHXH, BHYT, BHTN là trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo đời sống nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Phục vụ người dân hiệu quả
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, tất cả các đơn vị chức năng tham gia hoạt động xã hội phải thích ứng an toàn, đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bám sát chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, BHXH Quảng Ninh đã tham mưu, đề xuất với các đơn vị chức năng liên quan trong việc thực hiện chi trả chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN đến với người thụ hưởng.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, BHXH tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai chi trả 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH và thưởng Tết cho cán bộ hưu trí, người có công, hưởng trợ cấp xã hội theo quy định. Để thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và quà Tết, Bưu điện tỉnh đã triển khai 323 điểm chi trả với gần 1.000 lượt cán bộ, nhân viên tham gia phục vụ. Chỉ trong thời gian ngắn, đến ngày 21/1 Bưu điện tỉnh đã chi trả gộp lương hưu tháng 1, 2/2022 cho 125.000 đối tượng với hơn 1.000 tỷ đồng.
Trước đây, ông Phạm Văn Thuật (64 tuổi), khu 2, phường Hà Tu (TP Hạ Long) thường lĩnh lương hưu theo từng tháng. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, ông Thuật thường gộp 2 tháng lương cho 1 lần lĩnh. Theo ông Thuật, việc chi trả lương hưu trong giai đoạn dịch bệnh là rất thuận tiện, nhất là với những người cao tuổi, có bệnh lý nền, vừa hạn chế tập trung đông người, vừa phòng ngừa dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hè, Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh) cho biết: Việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và quà Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua được cơ quan BHXH tỉnh triển khai sớm, phù hợp với tình hình cấp độ dịch bệnh ở mỗi địa phương; tránh tập trung đông người, đảm bảo thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, góp phần phục vụ người dân hiệu quả.
BHXH tỉnh đã linh hoạt các phương thức tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính, dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường cài đặt ứng dụng VssID-BHXH số trên nền tảng thiết bị thông minh, giúp người dân dễ dàng tìm kiếm tra cứu thông tin BHXH, BHYT. Các hoạt động giao dịch điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đến doanh nghiệp, người dân được đẩy mạnh, giúp cho việc giao dịch với cơ quan BHXH thông suốt 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã rà soát, cắt giảm về số lượng, đơn giản hóa thành phần, biểu mẫu, hồ sơ từ 27 thủ tục xuống còn 25 thủ tục; tập trung cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục; minh bạch hóa và tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết, thụ hưởng chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động
Là tỉnh công nghiệp, du lịch dịch vụ, đại dịch Covid-19 đã làm cho Quảng Ninh bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là về lĩnh vực kinh tế. Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, phá sản, ảnh hưởng việc làm, thu nhập của người lao động. Chỉ tính riêng tại TP Hạ Long, đã có 114 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ với trên 10.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.
Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo BHTN có hiệu lực ngày 1/10/2021, BHXH tỉnh đã nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Đầu năm 2019, Khách sạn Moon Hotel (TP Hạ Long) tiêu chuẩn 3 sao với 76 phòng nghỉ chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đầu năm 2020 khách sạn phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Do tạm dừng hoạt động, khách sạn buộc phải cắt giảm lao động, chỉ giữ lại những người có kinh nghiệm, cán bộ quản lý, để đảm bảo số ngày công, tham gia BHXH, BHYT.
Chị Bùi Thị Minh Nhâm (nhân viên phụ trách tiền sảnh, Khách sạn Moon Hotel) hằng tuần phải đến khách sạn để kiểm tra sảnh, quầy, vệ sinh các khu vực mình quản lý. Trước tác động của dịch Covid-19, việc ít, thu nhập giảm, do biết ngoại ngữ, chị Nhâm đã đi dạy kèm học sinh để có thêm thu nhập.
Chị Nhâm chia sẻ: Tháng 11/2021, tôi nhận được số tiền 3,3 triệu đồng hỗ trợ từ Quỹ BHTN, khoản tiền tuy không nhiều, nhưng cũng đủ trang trải trong cuộc sống bình thường. Hi vọng năm 2022, dịch Covid-19 sẽ đẩy lùi, để chúng tôi được đảm bảo việc làm, cuộc sống bình thường trở lại.
Chị Nhâm cũng như hàng nghìn người lao động khác của tỉnh đã được nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN từ rất sớm, nhờ đó đã bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Để đồng hành với doanh nghiệp, BHXH tỉnh triển khai hỗ trợ đầy đủ, kịp thời theo các nghị quyết của Chính phủ và của tỉnh, qua đó giúp người sử dụng lao động và người lao động từng bước vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Là doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xếp dỡ, giao nhận, vận chuyển, lưu kho bãi, logistics, thông quan hàng hóa… Công ty CP Cảng Quảng Ninh (TP Hạ Long) cũng bị tác động của đại dịch Covid-19 làm cho chuỗi cung ứng dịch vụ bị đứt gãy, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là việc chú trọng đảm bảo quyền lợi cho người lao động, công ty đã từng bước khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động, đưa sản lượng hàng hóa thông qua cảng đều tăng so với trước. Hết năm 2021, sản lượng hàng hóa thông quan của Công ty CP Cảng Quảng Ninh đạt trên 8 triệu tấn, doanh thu đạt 450 tỷ đồng, lãi trên 120 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 14 triệu đồng/tháng.
Ông Đinh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quảng Ninh, cho biết: Công ty rất quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ người lao động, nhất là chính sách về BHXH. Tại công ty không để xảy ra tồn đọng BHXH, điều này tạo điều kiện cho người lao động yên tâm công tác, gắn bó hơn với công ty.
Hết năm 2021, BHXH tỉnh đã thực hiện giảm đóng Quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho trên 5.700 đơn vị doanh nghiệp với 205.000 lao động, số tiền 34,9 tỷ đồng; giảm đóng Quỹ BHTN cho 5.365 đơn vị, doanh nghiệp, với số tiền 34,4 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116 cho trên 217.000 lao động, với số tiền 570 tỷ đồng.
Thực hiện BHYT toàn dân
Sau khi hoàn thành Đề án 196 vào năm 2020, Quảng Ninh đã không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh trong quá trình phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền núi.
Tuy nhiên, khi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, một số chế độ an sinh xã hội, nhất là BHYT vốn được hỗ trợ từ nguồn ngân sách đối với các địa bàn trên sẽ không được áp dụng. Trước tình hình trên, BHXH tỉnh phối hợp cùng các sở, ban, ngành của tỉnh đề xuất HĐND tỉnh thông qua và ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về việc tiếp tục hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn đến hết năm 2025 từ nguồn ngân sách tỉnh. Chính sách này đã giúp cho bà con có thêm động lực để vươn lên.
Đầu xuân 2022, niềm vui đã đến với khoảng 65.000 đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các thôn, xã vừa thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh khi họ tiếp tục được hỗ trợ 100% kinh phí để mua BHYT (mỗi thẻ BHYT trị giá 804.600 đồng/năm). Điều này giúp các địa bàn miền núi, hải đảo có điều kiện chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, thoát nghèo bền vững, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống.
Ông Ngũ Thế Đạo (71 tuổi), người dân tộc Dao ở thôn Đồng Mô, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) đến Phòng khám Đa khoa Khu vực Hoành Mô (Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu) để thăm khám và lấy thuốc chữa bệnh. Ông Đạo cho biết: Tôi bị bệnh viêm phổi mạn tính, những lúc trái gió trở trời bệnh tình lại tái phát. Năm nay lạnh kéo dài, bệnh cũ tái phát, tôi hay đến Phòng khám kiểm tra sức khỏe, lấy thuốc điều trị. Có BHYT, các chi phí tiền khám và thuốc của tôi không phải mất, tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Còn tại huyện miền núi vùng cao Ba Chẽ, đã có gần 14.000 người thuộc diện hỗ trợ thẻ BHYT miễn phí theo Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng trung bình mỗi ngày Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ có khoảng 40 người đến khám, điều trị, phần lớn theo diện chi trả BHYT.
Theo bác sĩ Vi Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ, thời gian giãn đoạn trước đây chưa cấp thẻ BHYT, bà con rất ngại đến trung tâm khám, chữa bệnh, bởi điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn. Sau khi HĐND tỉnh thông qua việc tiếp tục hỗ trợ miễn phí thẻ BHYT, người dân có bệnh đã chủ động đến trung tâm điều trị, đây là chính sách ý nghĩa nhân văn rất lớn.
Nghị Quyết số 16 của HĐND tỉnh đã tạo lực đẩy quan trọng nhằm hỗ trợ người sinh sống tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa vừa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn được chăm sóc y tế; đồng thời có thêm nguồn lực ổn định phát triển sản xuất để vươn lên, góp phần giảm nghèo bền vững. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có trên 1,2 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,1% dân số tỉnh.
Ông Lê Đình Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Năm 2022, mỗi CBCCVC ngành BHXH tỉnh sẽ nỗ lực hết mình để đồng hành, chuyển tải chính sách BHXH, BHYT đến với người dân và cộng đồng doanh nghiệp; từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân mà tỉnh hướng đến.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()