Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:05 (GMT +7)
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí: Góp sức phòng, chống đại dịch
Thứ 2, 07/06/2021 | 09:45:01 [GMT +7] A A
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã nhiều lần cử cán bộ, y, bác sĩ vào “tâm dịch” phục vụ công tác phòng, chống dịch. Mỗi y, bác sĩ luôn phát huy tinh thần xung kích, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong buổi gặp mặt mới đây với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí - Trưởng đoàn chi viện Quảng Ninh tại Bắc Giang cho biết, đây là lần thứ 2 trong năm 2021 chị cùng các đồng nghiệp vào “tâm dịch” phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Lần đầu tham gia dập dịch ngay tại tỉnh ở TX Đông Triều và TP Uông Bí vào cuối tháng 1/2021, thời tiết hợp lý nên đội ngũ y bác sĩ mặc bộ phòng hộ cấp 4, cấp 6 cảm thấy rất vừa. Lần này, trong cái nóng 37-38 độ gay gắt giữa mùa hè tại Bắc Giang, mặc những bộ đồ bảo hộ này, các nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển mới choáng chứ may chưa ngất”, bác sĩ Ngọc Điệp chia sẻ.
Thực sự, giữa mùa hè nóng bức, khoác trên mình đồ bảo hộ kín mít và chỉ nhìn thấy nhau qua ánh mắt. Thế nhưng cái nắng cái nóng của Bắc Giang cũng không làm khó được tinh thần cả đoàn. Hiện tại, đoàn bố trí thời gian triển khai công việc từ sáng sớm đến trưa nắng nóng sẽ nghỉ và chiều tối tiếp tục, có khi làm đến đêm.
Bác sĩ Ngọc Diệp cho biết thêm, những ngày đầu đến Bắc Giang, đoàn có 200 cán bộ nhân viên y tế gồm các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và cả nhân viên kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện tại, các hộ lý đã được rút về nên đoàn còn 162 người. Điều thuận lợi nhất khi đến mảnh đất này là đoàn luôn nhận được sự động viên từ các cấp lãnh đạo địa phương, người dân-nơi đoàn tới làm việc. Đó là những chiếc bánh mì, cốc nước mát do người dân tự chuẩn bị hay với sự chung tay của các đơn vị, tổ chức nơi đây dành cho nhân viên y tế là động lực để các y, bác sĩ tiếp tục cố gắng chiến đấu. Cả đoàn cũng được bố trí 2 lần xét nghiệm PCR âm tính và đều đặn 5 ngày được test nhanh 1 lần.
Ngày 3/6, Quảng Ninh tiếp tục chi viện 20 nhân viên y tế tham gia công tác chống dịch tại Bắc Giang. Trong đó, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã cử 1 bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu để hỗ trợ công tác cấp cứu người bệnh tại Trung tâm hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Đây là trung tâm được nhanh chóng thiết lập do những ngày qua số người nhập viện điều trị do dịch Covid-19 và số người bệnh có diễn biến nặng ngày một tăng cao.
Nhằm hỗ trợ công tác xét nghiệm khoanh vùng các trường hợp nghi ngờ mắc SARS-CoV-2, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ Bắc Giang để xét nghiệm Covid-19. Theo đó, từ ngày 15/5-6/3, Bệnh viện đã xét nghiệm được cho trên 24.000 lượt người bằng phương pháp Realtime RT-PCR. Được biết, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã xét nghiệm Covid-19 cho gần 165.000 lượt người.
Cùng với công tác chi viện phòng, chống dịch tại Bắc Giang, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí vẫn đảm bảo công tác khám chữa bệnh, phòng bệnh tại đơn vị. Là bệnh viện đa khoa hạng I tuyến tỉnh, số lượng bệnh nhân tới khám và điều trị tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí rất đông từ 1000-1.200 lượt/ngày. Nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ lây chéo dịch bệnh là rất lớn. Để chủ động phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19, Bệnh viện áp dụng nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch như khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách, hạn chế người thăm bệnh, người nhà chăm sóc, khám chữa bệnh từ xa...
Đặc biệt khi một phần lực lượng nhân viên y tế chi viện cho Bắc Giang nên Bệnh viện đã có các biện pháp để đảm bảo nhân lực phục vụ công tác khám chữa bệnh, như: Bố trí ghép tạm thời một số khoa; dừng các dịch vụ khám yêu cầu, tiêm chủng; đóng cửa tạm thời khoa phục hồi chức năng, y học cổ truyền để lấy nhân lực tăng cường cho các khoa khác...
Ngoài việc làm tốt công tác phòng, chống, trước dịch bệnh nguy hiểm, Bệnh viện luôn cập nhật kiến thức dịch tễ, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ thầy thuốc và tiếp thu kinh nghiệm của các cơ quan, đơn vị, các cơ sở y tế, để chuẩn bị chu đáo về con người, cơ sở vật chất, thuốc men, bảo đảm tham gia ứng phó hiệu quả đối với dịch Covid-19.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()