Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 06:01 (GMT +7)
Bệnh sởi và những điều cần biết trong mùa dịch COVID-19
Thứ 4, 23/03/2022 | 14:00:02 [GMT +7] A A
Theo nhận định của các chuyên gia, dịch COVID-19 chưa thể chấm dứt được trong năm 2022. Trong khi đó, bệnh sởi cũng đang vào mùa và có những dấu hiệu tương tự dễ gây nhầm lẫn, nhất là khi trẻ đồng mắc hai bệnh.
Mùa đông xuân là thời điểm xảy ra rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm, bởi thời tiết thường nồm và ẩm, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus phát triển gây bệnh, trong đó có bệnh sởi ở trẻ.
Ngoài ra, trẻ có thể đồng mắc COVID-19 và mắc sởi.
1. Nhận biết bệnh sởi ở trẻ
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm, gây thành dịch, lây lan qua đường hô hấp do virus sởi thuộc họ Paramyxovirus gây ra.
Sau khi trẻ tiếp xúc với người bị sởi từ 1 - 3 tuần, có thể xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Triệu chứng viêm long: Kéo dài 2 - 4 ngày, trẻ sốt cao liên tục, viêm long đường hô hấp trên và kết mạc, đôi khi có cả viêm thanh quản, có thể xuất hiện hạt Koplik ở bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).
- Triệu chứng toàn phát: Kéo dài 2 - 5 ngày, trẻ hết sốt, bắt đầu phát ban, hồng ban dạng sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ lan dần đến thân mình và tứ chi, cả lòng bàn tay và bàn chân.
- Triệu chứng hồi phục bệnh: Ban nhạt màu dần rồi chuyển sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn như da hổ và biến mất theo thứ tự lúc xuất hiện. Có thể có ho kéo dài 1 - 2 tuần sau khi hết bệnh.
Sau khi mắc bệnh sởi, trẻ thường bị suy giảm miễn dịch nên dễ bị bội nhiễm và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.
2. Trẻ mắc COVID-19 có phát ban giống sởi không?
Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn diễn ra và lây lan nhiều ở cộng đồng, trong khi đó mùa đông xuân bệnh sởi cũng có thể phát triển. Nhiều bậc cha mẹ thắc mắc rằng: Trẻ bị phát ban đỏ trên da là bệnh sởi hay là do mắc COVID?
Đối với COVID-19 sau khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch để loại bỏ virus xâm nhập. Quá trình này sẽ kích thích tế bào dưỡng bào, các tế bào bạch cầu phóng thích ra nhiều hóa chất trung gian gây hiện tượng viêm và giãn mạch máu dưới da, khiến cho da có màu đỏ (nhưng nếu ấn tay vào sẽ biến mất).
Theo các nhà nghiên cứu, phát ban còn do nhiễm trùng trực tiếp ở các mô da do SARS-CoV-2. Điểm đáng chú ý, các ban COVID-19 thường xuất hiện xung quanh khuỷu tay hoặc đầu gối, mặt sau của bàn tay và bàn chân, đôi khi có thể đóng vảy, hình thành mụn nước. Tuy nhiên, các ban này không có xu hướng ảnh hưởng đến da mặt.
Một điều đáng chú ý tiếp theo, các ban cũng có thể xảy ra ở ngón chân (còn gọi là ngón chân COVID). Các triệu chứng thường thấy một hoặc nhiều ngón chân và đôi khi cả ngón tay chuyển sang màu hồng, đỏ hoặc tía. Ngoài ra, các biểu hiện khác có thể là da sưng, ngứa, rát hoặc đau, các nốt sần nổi lên hoặc các vùng da thô ráp; rộp; các đốm màu nâu tía; một lượng nhỏ mủ. Tình trạng này kéo dài từ 10 ngày đến vài tháng.
3. Nếu trẻ mắc đồng thời bệnh sởi và COVID-19 cần chăm sóc thế nào?
Hiện đang là mùa dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, nhiều cha mẹ lo lắng nếu trẻ mắc bệnh COVID-19 mà mắc cả bệnh sởi thì chăm sóc trẻ như thế nào cho đúng.
Trên thực tế trẻ nhỏ mắc COVID-19 thường có biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, cha mẹ cần theo dõi sát sao về nhịp thở. Cách chăm sóc trẻ bị lên sởi đồng thời mắc COVID-19 cũng tương tự như chăm sóc các trẻ bình thường mắc bệnh sởi.
Khi trẻ mắc bệnh sởi thường có biểu hiện sốt, sau đó phát ban từ mặt xuống bụng và chân tay. Nếu trẻ sốt nhẹ, mẹ có thể chườm khăn ấm, nới lỏng quần áo cho thoáng mát. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C thì cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo cân nặng và hướng dẫn.
Tuy nhiên, điều cha mẹ cần lưu ý với trẻ mắc bệnh sởi, việc chăm sóc dinh dưỡng là điều rất quan trọng. Nhiều cha mẹ ở các địa phương vẫn có quan niệm kiêng khem khi trẻ mắc bệnh sởi, điều này là sai lầm. Cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, không nên kiêng khem. Nhiều trẻ sẽ có một số triệu chứng khác nên ăn uống khó khăn, dễ bị rối loạn tiêu hóa, nôn ói... Chính vì thế cần phải chia nhỏ bữa ăn cho trẻ, cho trẻ uống sữa nhiều lần trong ngày, thức ăn chế biến mềm hơn để trẻ dễ nuốt, dễ tiêu.
Trẻ mắc bệnh sởi thường bị sốt, gây mất nước, nếu trẻ bị tiêu chảy, nôn mửa sẽ khiến tình trạng mất nước ở cơ thể cao hơn. Do đó, trẻ cần được bổ sung nước đầy đủ qua sữa, nước hoa quả... Ngoài ra, trẻ lên sởi cần được bổ sung vitamin A liều cao, nhưng cần có sự chỉ định của bác sĩ.
Việc chăm sóc vệ sinh cho trẻ mắc bệnh cũng cần phải chú ý, nhất là ở giai đoạn lên sởi. Nhiều người quan niệm nếu trẻ mắc bệnh sởi cần kiêng tắm, đây là quan niệm sai lầm. Vì thực tế khi lên sởi, trẻ rơi vào tình trạng suy giảm miễn dịch, có khi kéo dài hàng tháng mới phục hồi. Nếu giữ vệ sinh thân thể không tốt, nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng gia tăng khiến bệnh trầm trọng hơn. Tuy nhiên, trẻ mắc bệnh không nên tắm quá lâu, cần tắm nhanh cho trẻ trong phòng kín gió hoặc lau người cho sạch.
Ngoài ra, cha mẹ nên chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ. Ở trẻ nhỏ dùng tưa lưỡi làm sạch răng và khoang miệng, ở trẻ lớn cho đánh răng.
4. Khi nào cần cho trẻ nhập viện?
Do mắc sởi cũng như COVID-19, trẻ có thể bị biến chứng viêm phổi. Nếu trẻ cùng mắc sởi thì biến chứng của COVID-19 cũng tăng khả năng viêm phổi. Do đó, nếu trẻ vừa bị sởi vừa bị COVID-19, cần đặc biệt chú ý theo dõi nhịp thở, các triệu chứng và chăm sóc khoa học để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe khỏe hậu COVID-19.
Khi thấy trẻ sốt cao kéo dài, kèm theo ho, khó thở hoặc có bất kỳ biểu hiện bất thường cần phải cho trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Ngoài ra, trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ các mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Hiện nay, mũi chủng ngừa vaccine sởi là mũi tiêm chủng mở rộng bắt đầu cho trẻ từ 9 tháng tuổi và nhắc lại lúc 18 tháng tuổi. Nếu trẻ chỉ được tiêm 1 mũi lúc 9 tháng, trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm sởi, nhưng triệu chứng và mức độ bệnh nhẹ hơn. Trẻ có thể được chủng ngừa mũi sởi ở các trạm y tế xã, trung tâm y tế dự phòng của quận, huyện. Sau khi tiêm 2 mũi vaccine, trẻ sẽ đạt miễn dịch suốt đời. Do vậy, cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đúng các mốc thời gian để đảm bảo sức khỏe của con.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()