Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:05 (GMT +7)
Bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào?
Thứ 6, 29/07/2022 | 12:18:48 [GMT +7] A A
Bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) là một bệnh hiếm gặp do nhiễm virus đậu mùa khỉ. Biết được các đường lây truyền căn bệnh này sẽ giúp người dân phòng chống bệnh hiệu quả hơn.
1. Nguồn gốc
Virus đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus, cùng họ với virus variola – loại virus gây ra bệnh đậu mùa. Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ tương tự như các triệu chứng bệnh đậu mùa, nhưng triệu chứng thường nhẹ hơn và hiếm khi gây tử vong. Bệnh đậu mùa khỉ không liên quan đến bệnh thủy đậu.
Bệnh đậu mùa ở khỉ được phát hiện đầu tiên vào năm 1958 khi có hai đợt bùng phát bệnh tương tự như thủy đậu xảy ra trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Mặc dù được đặt tên là “bệnh đậu mùa khỉ”, nhưng nguồn gốc của bệnh vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, các loài gặm nhấm châu Phi và các loài linh trưởng không phải người (như khỉ) có thể chứa virus và lây nhiễm sang người.
Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được xác định ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo ở một cậu bé 9 tháng tuổi trong một vùng đã loại trừ bệnh đậu mùa vào năm 1968.
Kể từ đó, hầu hết các trường hợp được báo cáo từ các vùng nông thôn, rừng nhiệt đới của Lưu vực Congo, đặc biệt là ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các ca bệnh ở người ngày càng được báo cáo từ khắp Trung và Tây Phi.
Năm 2017, Nigeria đã trải qua một đợt bùng phát lớn, với hơn 500 trường hợp nghi ngờ và hơn 200 trường hợp được xác nhận và tỷ lệ tử vong khoảng 3%. Các trường hợp tiếp tục được báo cáo cho đến ngày hôm nay.
Năm 2003, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ngoài châu Phi là ở Hoa Kỳ và có liên quan đến việc tiếp xúc với những con chó đồng cỏ bị nhiễm bệnh. Những thú cưng này đã được nuôi chung với chuột túi Gambian được nhập khẩu từ Ghana. Đợt bùng phát này đã dẫn đến hơn 70 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Hoa Kỳ.
Bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được báo cáo ở những du khách từ Nigeria đến các nước Israel, Vương quốc Anh, Singapore và Hoa Kỳ. Vào tháng 5/2022, nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác định ở một số quốc gia không lưu hành.
Các nghiên cứu hiện đang được tiến hành để hiểu thêm về dịch tễ học, các nguồn lây nhiễm và các mô hình lây truyền.
2. Đường lây truyền
- Bệnh lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể, hoặc các tổn thương ở da hoặc niêm mạc của động vật bị nhiễm bệnh. Ở châu Phi, bằng chứng về sự lây nhiễm virus đậu mùa ở khỉ đã được tìm thấy ở nhiều loài động vật bao gồm sóc dây, sóc cây, chuột túi Gambian, chuột sóc, khỉ và những loài khác. Nơi chứa bệnh đậu mùa khỉ tự nhiên vẫn chưa được xác định, mặc dù rất có thể là loài gặm nhấm.
- Ăn thịt động vật hoang dã chưa được nấu chín kỹ và các sản phẩm khác của động vật bị nhiễm bệnh là một yếu tố nguy cơ có thể xảy ra. Những người sống trong hoặc gần các khu vực có rừng có thể tiếp xúc gián tiếp hoặc ở mức độ thấp với động vật bị nhiễm bệnh.
- Lây truyền từ người sang người có thể do tiếp xúc gần với dịch tiết đường hô hấp, tổn thương da của người bị bệnh hoặc các đồ vật mới bị nhiễm virus. Sự lây truyền qua giọt bắn đường hô hấp thường đòi hỏi phải tiếp xúc trực tiếp lâu dài. Nhân viên y tế, các thành viên trong gia đình và những người tiếp xúc gần khác của các ca bệnh đang hoạt động có nguy cơ cao hơn.
- Tuy nhiên, chuỗi lây truyền dài nhất được ghi nhận trong một cộng đồng đã tăng trong những năm gần đây từ 6 lên 9 trường hợp lây nhiễm từ người sang người liên tiếp. Điều này có thể phản ánh sự suy giảm khả năng miễn dịch cộng đồng do ngừng tiêm phòng bệnh đậu mùa.
- Sự lây truyền cũng có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi (có thể dẫn đến bệnh đậu khỉ bẩm sinh) hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Mặc dù tiếp xúc cơ thể gần gũi là một yếu tố nguy cơ lây truyền được nhiều người biết đến, nhưng tại thời điểm này vẫn chưa rõ liệu bệnh đậu khỉ có thể lây truyền cụ thể qua đường tình dục hay không.
3. Triệu chứng lâm sàng
Thời kỳ ủ bệnh từ 6 đến 13 ngày, có thể kéo dài từ 5 đến 21 ngày.
Thời kỳ xâm nhập ( 0–5 ngày) đặc trưng bởi sốt, nhức đầu dữ dội, nổi hạch (sưng hạch), đau lưng, đau cơ và mệt mỏi nhiều. Nổi hạch là một điểm khác biệt của bệnh đậu mùa khỉ so với các bệnh khác mà ban đầu có thể có biểu hiện tương tự (bệnh thủy đậu, bệnh sởi, bệnh đậu mùa)
Phát ban trên da thường bắt đầu trong vòng 1-3 ngày sau khi xuất hiện sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều hơn ở mặt và tứ chi hơn là ở thân mình. Vị trí thường gặp là: mặt (95% trường hợp), lòng bàn tay và lòng bàn chân (75% trường hợp), niêm mạc miệng (70% trường hợp), cơ quan sinh dục (30%), và kết mạc (20%), cũng như giác mạc.
Phát ban tiến triển tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng), và đóng vảy khô và bong ra.
Các mụn nước thường lõm giữa. Số lượng tổn thương thay đổi từ vài đến vài nghìn. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, các tổn thương có thể liên kết với nhau cho đến khi các mảng da lớn bong ra.
Bệnh thường tự giới hạn với các triệu chứng kéo dài từ 2 – 4 tuần. Các trường hợp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em và liên quan đến mức độ phơi nhiễm virus, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Các biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể bao gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực.
Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa ở khỉ trước đây dao động từ 0 đến 11% trong dân số nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ. Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 3-6%.
4. Chẩn đoán
Chẩn đoán phân biệt với bệnh phát ban khác, như bệnh thủy đậu, bệnh sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, bệnh ghẻ, bệnh giang mai và dị ứng do thuốc. Nổi hạch trong giai đoạn tiền triệu của bệnh có thể là một đặc điểm lâm sàng để phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với bệnh thủy đậu hoặc bệnh đậu mùa.
Phản ứng chuỗi polymerase (PCR) là xét nghiệm thường được dùng để chẩn đoán bệnh do độ nhạy và độ đăc hiệu cao, mẫu bệnh phẩm là các tổn thương da của bệnh nhân (da, dịch bọng nước, vảy tiết,..).
Vì các virus orthopoxvirus có phản ứng chéo về mặt huyết thanh học. Do đó, các phương pháp phát hiện kháng nguyên và huyết thanh học không được khuyến khích dùng để chẩn đoán.
5. Điều trị
Nguyên tắc điều trị:
-
Chăm sóc hỗ trợ, điều trị triệu chứng
-
Cách ly người bệnh
-
Thuốc kháng virus: Có thể dùng tecovirimat
Chăm sóc điều trị cho bệnh đậu mùa khỉ cần được tối ưu hóa để giảm nhẹ các triệu chứng, quản lý các biến chứng và ngăn ngừa di chứng lâu dài. Điều trị bệnh đậu mùa khỉ cơ bản là hỗ trợ; dùng kháng sinh đối với nhiễm khuẩn thứ phát.
Thuốc kháng virus tecovirimat được phát triển cho bệnh đậu mùa đã được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) cấp phép cho bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2022 dựa trên dữ liệu trong các nghiên cứu trên động vật và con người. Nó vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.
6. Tiêm phòng
Việc chủng ngừa bệnh đậu mùa đã được chứng minh qua một số nghiên cứu quan sát là có hiệu quả khoảng 85% trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Do đó, việc tiêm phòng đậu mùa trước có thể khiến bệnh nhẹ hơn. Bằng chứng về việc tiêm phòng bệnh đậu mùa trước đó thường có thể được tìm thấy như một vết sẹo trên cánh tay.
Vào thời điểm hiện tại, vaccine đậu mùa ban đầu (thế hệ đầu tiên) không còn được cung cấp. Một số nhân viên phòng thí nghiệm hoặc nhân viên y tế có thể đã nhận được một loại vaccine đậu mùa gần đây hơn để bảo vệ họ trong trường hợp tiếp xúc với virus orthopoxvirus tại nơi làm việc.
Một loại vaccine mới hơn dựa trên một loại virus vaccine giảm độc lực đã được sửa đổi (chủng Ankara) đã được phê duyệt để phòng chống bệnh đậu mùa ở khỉ vào năm 2019.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()