Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:05 (GMT +7)
Bé trai 5 tuổi ở Hà Nội mắc viêm não Nhật Bản, những dấu hiệu sớm cha mẹ cần biết
Thứ 3, 10/10/2023 | 08:51:23 [GMT +7] A A
Một bé trai 5 tuổi ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội được phát hiện mắc viêm não Nhật Bản. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao. Vì vậy, việc phòng bệnh và phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản gây ra.
Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản, khi gây dịch ở nước này với số người mắc và tử vong rất cao. Năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra căn nguyên gây bệnh là một loại virus được đặt tên là virus Viêm não Nhật Bản và từ đó tên bệnh cũng được gọi là viêm não Nhật Bản.
Virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm Arbovirus truyền sang người do muỗi đốt. Vật chủ chính mang virus là lợn và một số loài chim. Bệnh không truyền trực tiếp từ người sang người.
Phổ biến từ tháng 5 đến tháng 7 là mùa muỗi hoạt động nhiều, cũng là mùa chim đến ăn trái chín. Có hơn 30 loài muỗi trung gian truyền bệnh virus viêm não Nhật Bản, đặc biệt là Culex Tritaeniorhynchus. C. Tritaeniorhynchus thường sinh sản trên ruộng lúa, đầm lầy và các vũng nước nông khác. Đây là muỗi cắn vào buổi tối và ban đêm.
Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì:– Tỷ lệ lợn bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn), và phạm vi lợn nuôi tại các hộ gia đình rất lớn (hầu hết gia đình ở nông thôn có nuôi lợn).– Sự xuất hiện virus viêm não Nhật Bản trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm virus. Thời gian nhiễm ở lợn kéo dài từ 2 đến 4 ngày, rồi gây nhiễm cho muỗi, để từ đó truyền bệnh cho người.
Biểu hiện của bệnh viêm não Nhật Bản
Khi mắc viêm não Nhật Bản bệnh nhân sẽ sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kém đáp ứng hạ sốt. Đau đầu, buồn nôn, dần dần rối loạn tri giác (ngủ gà, li bì, đau đầu hoặc hôn mê).Co giật, thường co giật toàn thân. Gồng duỗi hoặc ưỡn, rối loạn nhịp thở, tiêu tiểu không tự chủ.
Bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng đến hôn mê và tử vong. Nếu qua giai đoạn đó có thể diễn tiến di chứng tùy mức độ tổn thương não. Tỉ lệ tử vong khoảng 10 - 20%.
Chẩn đoán xác định dựa vào xét nghiệm máu và dịch não tủy. MRI não giai đoạn hồi phục giúp đánh giá mức độ tổn thương và di chứng của bệnh.
Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân thể viêm não nhập viện là khoảng 20 – 30%, thường xảy ra sau một thời gian hôn mê kéo dài. Trong số những người sống sót, di chứng thần kinh xảy ra trong ít nhất 30 – 50%.
Các di chứng phổ biến nhất bao gồm:
- Các vấn đề tâm thần và co giật tái phát.
- Suy giảm nghiêm trọng về nhận thức hoặc ngôn ngữ.
- Khó khăn trong vấn đề học tập và tiếp xúc với môi trường xã hội, trở lại với cuộc sống trước khi mắc bệnh.
Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm não Nhật Bản và hiện nay chỉ điều trị hỗ trợ. Chính vì vậy, khi bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản thì tỉ lệ tử vong cao và di chứng về thần kinh sau này.
Do đó, việc chủ động phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Virus lây qua trung gian truyền bệnh, chủ yếu là muỗi Culex. Vì vậy, để phòng bệnh, mọi người cần:
- Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống chín.
- Nên ngủ màn cả ban ngày và ban đêm để đề phòng muỗi đốt.
- Vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.
- Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
Các biện pháp bảo vệ cá nhân để ngăn ngừa muỗi đốt rất quan trọng, vì điều này sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Việc tiêm vaccine viêm não Nhật Bản là biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh tốt nhất.
Theo thống kê và nghiên cứu, trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 2 – 6 tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản cao nhất. Để phòng ngừa một cách tốt nhất, trẻ nên được tiêm mũi nhắc lại theo định kỳ 3 năm/lần cho đến khi đủ 15 tuổi.
Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()