Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:16 (GMT +7)
Bệ đỡ cho hợp tác kinh tế, đầu tư Việt - Mỹ
Thứ 4, 25/08/2021 | 15:09:50 [GMT +7] A A
Chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris được kỳ vọng mang tới những cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh mới cho doanh nghiệp hai nước.
Cơ hội từ chuỗi cung ứng bị đứt gãy
Hôm qua (24/8), Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tới thăm Việt Nam, sau khi tới thăm Singapore, bắt đầu từ ngày 22/8.
Có rất nhiều bình luận được đưa ra về mục đích của chuyến thăm này, mà một trong số đó là nhằm “củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác của nước Mỹ trong khu vực”, như lời của Symone Sanders, phát ngôn viên, kiêm cố vấn cấp cao của bà Harris.
Một mục đích khác được giới phân tích nhắc tới, đó là nhằm xây dựng mối quan hệ thương mại với các quốc gia được coi là quan trọng đối với chuỗi cung ứng, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp bán dẫn thiếu nguồn cung trầm trọng hiện nay.
Trong khi đó, Singapore là quốc gia khá quan trọng trong chuỗi cung ứng chế tạo chip điện tử, để cung ứng cho chuỗi sản xuất ô tô và điện thoại thông minh. Còn Việt Nam, như nhận định gần đây của Hãng truyền thông Bloomberg, đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Bloomberg, hưởng lợi từ xu thế Trung Quốc +1, Việt Nam đã hấp thụ được nhiều dự án đầu tư từ các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng là trung tâm sản xuất điện tử, với sự xuất hiện của Samsung và gần đây trở thành nhà cung ứng hàng đầu cho Apple ở khu vực Đông Nam Á.
Điều này có vẻ là sự thật, bởi khi bà Kamala Harris tới Singapore, Mỹ và Singapore đã tuyên bố sẽ khởi động các quan hệ đối tác mới để thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và tăng cường khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng. Hai bên cũng đã cam kết thực hiện đối thoại cấp cao nhằm nâng cao khả năng phục hồi các chuỗi cung ứng.
Cơ hội cũng đang mở ra cho Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực bán dẫn hay điện tử. Gần đây, Việt Nam thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực này và các tên tuổi lớn của Mỹ, như Apple, Intel… đều đã và đang tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Các hãng Ford, General Motor cũng tương tự.
Không chỉ trong các lĩnh vực trên, Việt Nam cũng đang ngày càng trở nên quan trọng trong chuỗi cung ứng và sản xuất của Mỹ.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước.
Có một thông tin rất thú vị, đó là vào cuối tháng 7/2021, Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) đã gửi thư đề nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng cường phân phối vắc-xin cho Việt Nam và các đối tác quan trọng khác.
Lá thư do ông Steve Lamar, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc AAFA ký, có đoạn viết: “Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp chính các nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất giày dép đang phát triển nhanh chóng của Mỹ. Do đó, sự thành công của chúng ta phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe, theo đúng nghĩa đen, của ngành công nghiệp Việt Nam”.
Ông Steve Lamar cũng cho biết, Việt Nam hiện là nhà cung cấp hàng dệt may, giày dép lớn thứ hai cho thị trường Mỹ, chiếm 20% tổng lượng hàng xuất khẩu. Còn tờ Nikkei Asia gần đây cho biết, người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưa chuộng sản phẩm “Made in Vietnam”.
Việt Nam, rõ ràng, đang ngày càng trở nên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có thị trường Mỹ. Gần đây, cả Nike, cả Adidas… đều đã lên tiếng về những khó khăn về chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 đang bùng phát ở Việt Nam. Chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, vì thế, cũng được kỳ vọng góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn trong chuỗi cung ứng, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh ngày càng rộng mở hơn giữa doanh nghiệp hai nước.
Khi Việt Nam trở thành tâm điểm
Việc AAFA viết thư đề nghị Tổng thống Mỹ tăng cường phân phối vắc-xin cho Việt Nam trước tiên vì chính những vấn đề trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ, nhưng đồng thời qua đó cũng khẳng định rằng, Mỹ đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng.
Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp chính các nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất giày dép đang phát triển nhanh chóng của Mỹ. Do đó, sự thành công của chúng ta phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe, theo đúng nghĩa đen, của ngành công nghiệp Việt Nam.
Ông Steve Lamar, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc AAFA |
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Đó có lẽ cũng chính là lý do cho đến nay, Mỹ là một trong những quốc gia đã hỗ trợ nhiều nhất cho Việt Nam trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19. Ngoài cam kết hỗ trợ Việt Nam 5 triệu liều vắc-xin Moderna, Mỹ cũng đã tuyên bố trao tặng Việt Nam các tủ âm sâu để bảo quản vắc-xin Covid-19.
Chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Kamala Harris càng khẳng định rằng, Việt Nam đang trở thành trọng tâm hợp tác của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Khi các quan hệ ngoại giao ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, thì đó là “bệ đỡ” cho các hoạt động hợp tác kinh tế và đầu tư.
Các hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư Việt - Mỹ cũng sẽ ngày càng thuận lợi hơn, khi vào tháng 7 vừa qua, phía Mỹ đã tuyên bố sẽ không áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại với hàng xuất khẩu từ Việt Nam, sau khi phía Mỹ kết thúc điều tra về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ.
Quyết định trên của phía Mỹ được Bộ Công thương đánh giá cao và cho rằng, có “ý nghĩa quyết định đặc biệt tích cực” đối với quan hệ kinh tế, thương mại song phương, cũng như môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Khi hợp tác thương mại thuận lợi thì sẽ khơi luồng cho dòng đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 7 tháng đầu năm nay, Mỹ đăng ký đầu tư vào Việt Nam 415 triệu USD, đứng thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Còn lũy kế, con số này là gần 9,7 tỷ USD, đứng vị trí thứ 11.
Con số trên còn là khá khiêm tốn so với tiềm năng của doanh nghiệp Mỹ. Tuy vậy, cho đến nay, rất nhiều tên tuổi lớn của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam, như Ford, General Electric, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G, Metlife, UPS…
Những động thái gần đây cho biết, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Google, Microsoft, Apple đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam và coi Việt Nam như một điểm đến thay thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
First Solar, sau khi đầu tư một dự án hơn 1 tỷ USD, ở TP.HCM đã công bố rằng, nhà máy tại TP.HCM của First Solar chính là cơ sở sản xuất quan trọng hàng đầu của Tập đoàn.
Trong khi đó, hãng sản xuất chip lừng danh Intel sau khoản đầu tư 1 tỷ USD, vào đầu năm nay, đã công bố đầu tư thêm 475 triệu USD vào Việt Nam. Thậm chí, một kế hoạch đầu tư tiếp theo đang được xây dựng, với quy mô lên tới hàng tỷ USD.
Dòng đầu tư vẫn chảy
Một thông tin thú vị là, ngay trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Kamala Harris, Tập đoàn Boeing, nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, đã công bố việc mở văn phòng tại Hà Nội. Đây là văn phòng đầu tiên của Boeing tại Việt Nam.
Như vậy, mặc dù đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế Việt Nam, Boeing vẫn tin tưởng vào sự phát triển ngành hàng không Việt Nam và tiếp tục khẳng định cam kết đầu tư và hỗ trợ lâu dài tại thị trường này.
“Việt Nam là một trong những thị trường hàng không có tốc độ phát triển nhanh nhất. Việc khai trương văn phòng tại Hà Nội đã tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với việc hỗ trợ sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam và quan hệ đối tác lâu dài tại đây”, đại diện của Boeing cho phóng viên Báo Đầu tư biết.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đã có mối quan tâm tương tự đối với thị trường Việt Nam. Gần đây, ông lớn thương mại điện tử của Mỹ là Amazon đã có những động thái quan trọng nhằm tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam. Tập đoàn Amkor, một doanh nghiệp trong ngành bán dẫn, cũng đang lên kế hoạch đầu tư dự án 1,2 tỷ USD tại Bắc Ninh.
Trong khi đó, quý I năm nay, Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises, vốn đầu tư 110 triệu USD. Trước đó, Dự án Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty UAC, vốn đầu tư 170 triệu USD, đã khánh thành giai đoạn I.
Dòng vốn đầu tư của Mỹ vẫn đang chảy, dù chưa được kỳ vọng, thậm chí đang có xu hướng chậm lại do dịch Covid-19. Cũng do dịch bệnh, kế hoạch dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam của Apple, Google, Microsoft…, theo Nikkei, đang bị trì hoãn. Thậm chí, cả kế hoạch đầu tư dự án hàng tỷ USD của Exxon Mobil cũng đang bị chậm lại.
Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, ông Cù Chí Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, vấn đề chỉ mang tính thời điểm.
Theo ông Lợi, với quan hệ thương mại phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư Mỹ đều tính đến việc làm ăn lâu dài và yên ổn ở Việt Nam.
Đây cũng là điều được ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc Điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN khẳng định. Tuy nhiên, theo ông Thành, để tạo điều kiện cho dòng vốn Mỹ vào Việt Nam, thì Việt Nam phải cân nhắc thực hiện các biện pháp cách ly đối với các chuyên gia, các nhà đầu tư tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
“Họ tới để khảo sát và ra quyết định đầu tư các dự án hàng trăm triệu USD, hay cả tỷ USD, thậm chí là bay chuyên cơ tới. Với các trường hợp này, cần có các quy định đặc thù, vì mức độ rủi ro thấp. Có thể xem xét miễn cách ly cho người có hộ chiếu vắc-xin và tuân thủ lịch trình công tác ngắn ngày”, ông Thành đề nghị.
Theo baodautu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()