Công ty Lộc Phúc thuê hàng chục người làm cò mồi mua đất, cùng diễn với cả trăm nhân viên, thao túng tâm lý khách hàng để dụ mua dự án "ma".
Ngày 4/9, chiêu lừa đảo của Nguyễn Văn An (27 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Lộc Phúc, trụ sở tại quận Tân Bình, TP HCM) cùng hàng trăm nhân viên đã được Công an tỉnh Đồng Nai làm rõ. Cơ quan điều tra ước tính các nghi can đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người dân trong thời gian qua.
Thủ đoạn của Công ty Lộc Phúc là mua những khu đất nông nghiệp với giá vài trăm triệu đồng, sau đó tự vẽ dự án, rao bán với giá 2-3 tỷ đồng một lô. Để dụ được nhiều người mua, công ty tuyển hàng trăm sinh viên làm thêm, thực tập, hướng dẫn vào các trang mạng xã hội lấy hình ảnh những căn nhà đẹp ở TP HCM đang ra bán, đăng lên website của công ty và trangChợ tốtđể giới thiệu.
Khi nhiều người có nhu cầu mua liên hệ, nhân viên sẽ dùng sim rác (do công ty phát) hẹn gặp tại một quán cà phê rồi đưa tất cả lên xe 52 chỗ, che kín kính cửa, rồi chở thẳng về "dự án" của công ty ở Đồng Nai. Trên xe, các nhân viên tổ chức trò chơi có thưởng để khách hàng phân tâm, không nóng ruột vì quãng đường đi xem nhà đất ở Sài Gòn lại xa khác thường.
Theo điều tra, ngồi lẫn với khách hàng trên xe có nhiều người thất nghiệp, lớn tuổi và những người chuyên đóng vai quần chúng trong các phim truyền hình, có khả năng diễn xuất tốt. Họ được Công ty Lộc Phúc thuê làm AC (gọi là chân gỗ), đưa tiền giả làm người mua bất động sản, tiếp cận khách hàng để tạo sự gần gũi, đồng cảm, rồi lôi kéo, dụ dỗ họ cùng giao dịch.
Khi đến "dự án" do Công ty Lộc Phúc tự dựng, các AC luôn áp sát tiếp cận để đồng hành với khách hàng. Đồng thời, công ty cũng bố trí hàng chục nhân viên vây quanh khách giới thiệu sản phẩm với giá trị cao gấp nhiều lần giá trị thực tế của lô đất, liên tục thúc ép đặt cọc và tác động tâm lý làm cho nạn nhân hoang mang không có sự lựa chọn nào khác.
Các AC cũng diễn vai góp tiền với khách hàng, đặt cọc các lô đất để được hưởng "chiết khấu giả". Khi khách hàng đồng ý đặt cọc (thông thường khoảng 100 triệu đồng), AC sẽ đặt cọc theo nhằm kích thích, động viên khách mua đất bằng được. Sau khi đặt cọc và viết biên nhận, khách hàng được đưa lên một ôtô 7 chỗ, đi cùng AC, Trưởng phòng kinh doanh, nhân viên tư vấn khách hàng về lại Công ty Lộc Phúc để tiếp tục tác động khách hàng đặt thêm tiền cọc 60-70% giá trị giao dịch trên lô đất đó. Trường hợp khách hàng phát hiện lô đất giá cao hơn thực tế, yêu cầu trả lại cọc, sẽ bị từ chối.
Cơ quan điều tra xác định, khi khách hàng muốn được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì buộc phải thanh toán hết số tiền còn lại mới được làm hợp đồng công chứng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, có nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng không phải ở vị trí đã được công ty đưa đến xem và đặt cọc lúc đầu mà là ở vị trí cách xa hàng chục km, giá trị thấp hơn rất nhiều. Nếu khách hàng khiếu nại, tố cáo thì nhân viên giao dịch sẽ huỷ sim rác và chặn liên lạc.
Trình báo với cơ quan điều tra, chị Mai (ngụ quận 8, TP HCM) cho biết đã lên mạng tìm nhà có giá khoảng một tỷ đồng. Qua các trang quảng cáo, chị thấy căn nhà ở quận 7 có thiết kế đẹp, giá cả phù hợp nên đã liên hệ và gặp nhân viên Công ty Lộc Phúc.
Nữ nhân viên tên Ly đã gửi thêm nhiều hình ảnh căn nhà cho chị, hẹn hôm sau đến một địa điểm để đưa đi xem nhà, hứa công ty sẽ tặng quà dù chị có mua hay không. Tuy nhiên, đến hẹn, chị Mai được Ly đưa lên xe khách 52 chỗ đã có nhiều người, phủ rèm kín xung quanh, nói "qua quận 7 xem nhà".
Ngồi rất lâu trên xe mà vẫn chưa đến nơi, chị Mai hỏi thì được các nhân viên Công ty Lộc Phúc trên xe cho biết "ngoài đường đang kẹt xe". Do không nhìn thấy đường (rèm đã che hết kính), đến khi xuống xe, người phụ nữ mới biết mình bị đưa đến huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), "lùa" vào một bãi đất trống có dựng rạp, giống như tổ chức sự kiện.
"Nghi bị lừa, tôi nói gia đình đang có việc gấp, kêu họ tranh thủ đưa tôi đi xem căn bên quận 7 chứ không muốn mua chỗ khác. Các nhân viên nói muốn xem căn đó phải đặt cọc giữ chỗ vì có nhiều người coi lắm. Họ hứa chiều về công ty sẽ cho coi giấy tờ, bắt tôi đặt cọc 15 triệu đồng", chị Mai nói và cho biết tiền nộp chỉ được những người này ghi tên, không ghi phiếu thu.
Tương tự, vợ chồng chị Thanh ở TP Thủ Đức (TP HCM) cũng bị "đưa vào tròng". Họ hỏi mua căn nhà ở giá rẻ ở quận Tân Bình nhưng sau đó bị nhân viên công ty này lùa lên xe khách "bít bùng", chở thẳng xuống huyện Trảng Bom để xem đất dự án.
Nghi ngờ những lời quảng cáo của nhân viên công ty này, chị Thanh dò hỏi những người xung quanh thì bị các AC trấn an, giả vờ "tiết lộ" những thông tin riêng và cho biết từng kiếm được rất nhiều tiền khi mua dự án trước đó của Công ty Lộc Phúc. Lúc này, nhân viên công ty đề nghị vợ chồng chị Thanh chuyển 100 triệu đồng để nhận phiếu ưu đãi, nếu không mua có thể nhượng lại với giá gấp ba.
"Tôi nghi ngờ, chần chừ thì đám đông nhân viên cùng những người xung quanh hò hét, hối thúc khiến tâm lý tôi như bị áp đặt và làm theo", chị Thanh cho biết.
Sau quá trình điều tra, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an Đồng Nai, chỉ đạo lập Ban chuyên án. Chiều 31/8, khi Công ty Lộc Phúc chở hàng chục khách về "sàn giao dịch" ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom, thì hàng trăm cảnh sát ập vào khống chế, bắt quả tang An và 122 nhân viên đang "diễn" cùng 20 AC. 43 khách hàng là nạn nhân cũng được mời về trụ sở.
Cùng thời điểm, một tổ công tác khác ập vào khám xét trụ sở Công ty Lộc Phúc tại TP HCM; thu giữ 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, thiết bị điện tử, hơn 2,4 tỷ đồng, 18.000 yên Nhật; 3.500 USD; hơn 24 cây vàng; 7 ôtô... để phục vụ công tác điều tra.
Theo Trung tá Võ Nhật Hồng Phúc, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban Chuyên án, bước đầu xác định hàng tháng công ty do Nguyễn Văn An làm CEO thu lợi khoảng 20 tỷ đồng. Nguyễn Văn An và các nghi can đang bị điều tra về tộiLừa đảo chiếm đoạt tài sảnvà dấu hiệu tội phạm khác.
Ý kiến ()