Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 10:56 (GMT +7)
Bầu cử Mỹ 2024: Những dấu hiệu cảnh báo mới với bà Harris
Thứ 5, 29/08/2024 | 14:19:30 [GMT +7] A A
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 đang đặt Phó Tổng thống Kamala Harris trước nhiều thử thách lớn. Mặc dù có sự phấn khích từ Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, bà Harris vẫn bị coi là "yếu thế" do thiếu hiện diện truyền thông hay thiếu chiến lược chính sách rõ ràng.
Theo tờ Politico (Mỹ) ngày 28/8, mặc dù có sự phấn khích tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris vẫn đang đối mặt với những thử thách lớn và vẫn được xem là yếu thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Bà Harris đã xuất hiện tại đại hội với động lực mạnh mẽ, nhưng với chỉ còn hơn hai tháng nữa cho đến ngày bầu cử, những trở ngại trước mắt vẫn còn đầy thách thức.
Antjuan Seawright, chiến lược gia đảng Dân chủ có trụ sở tại Nam Carolina, cho biết: "Năng lượng là tốt, nhưng năng lượng phải được khai thác vì mục đích tốt, vì năng lượng không được khai thác không phải lúc nào cũng trở thành năng lượng tốt trong chính trị".
Trong các cuộc thăm dò gần đây, Phó Tổng thống Kamala Harris đã giành được một chút lợi thế, giúp bà dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump trên toàn quốc và ở hầu hết các bang dao động. Tuy nhiên, các chiến lược gia vẫn lo ngại về việc liệu bà có thể duy trì đà này hay không. Một cuộc thăm dò từ công ty truyền thông Dân chủ Navigator Research cho thấy bà Harris và ông Trump gần như ngang nhau ở các bang chiến trường.
Chauncey McLean, Chủ tịch của Future Forward, một siêu ủy ban hành động chính trị (siêu PAC), đã huy động được hàng trăm triệu USD để ủng hộ bà Harris trong cuộc bầu cử ngày 5/11 tới, cho biết cuộc thăm dò nội bộ của nhóm cho thấy một bức tranh kém lạc quan hơn nhiều.
Điều này càng thêm phức tạp khi các cuộc thăm dò đã dự đoán không chính xác kết quả của ông Trump vào năm 2016 và 2020, dẫn đến sự hoài nghi về độ tin cậy của dữ liệu hiện tại. Chiến lược gia kỳ cựu Doug Herman nhấn mạnh: "Không ai biết phải tin vào điều gì, ngoại trừ việc số liệu của ông Trump có lẽ không được thể hiện đầy đủ".
Một trong những vấn đề nổi cộm của chiến dịch là việc bà Harris chưa thực hiện phỏng vấn nào với tư cách là ứng cử viên của đảng Dân chủ. Mặc dù đã cam kết từ đầu tháng sẽ sắp xếp một cuộc phỏng vấn trước cuối tháng 8, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch công khai nào. Việc này càng kéo dài, áp lực càng lớn để bà phải chứng tỏ khả năng vượt qua cuộc phỏng vấn hoặc họp báo đầu tiên.
Trong khi đó, ông Trump đã tổ chức nhiều cuộc họp báo và phỏng vấn trực tiếp, chỉ trích bà Harris vì thiếu sự hiện diện này. Một chiến lược gia kỳ cựu của đảng Dân chủ cho rằng các cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình là "một trong những thách thức chính của bà Harris". Phó tổng thống Harris đã bị lúng túng trong cuộc phỏng vấn năm 2021 trên kênh NBC News liên quan đến câu hỏi về lý do tại sao bà không đến biên giới Mỹ - Mexico.
Cuộc tranh luận sắp tới giữa bà Harris và ông Trump, dự kiến diễn ra vào ngày 10/9 trên ABC News, sẽ là cơ hội quan trọng để ứng cử viên tổng thống Harris giới thiệu lại mình với công chúng và chứng minh khả năng của mình trước đối thủ. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa đạt được đồng thuận về các quy tắc tranh luận, bao gồm việc liệu micrô của ứng cử viên có nên bị tắt khi người kia đang nói hay không.
Chiến dịch của bà Harris hy vọng rằng một "micrô nóng" sẽ có lợi cho bà, nhưng nhóm của ông Trump lại muốn tuân thủ các quy tắc như đã thống với chiến dịch của Tổng thống Joe Biden. Mặc dù ông Trump đã ám chỉ rằng "điều đó không quan trọng với tôi", nhưng sự không đồng thuận này có thể trở thành điểm mấu chốt trong cuộc tranh luận.
Một trong những điểm yếu khác trong chiến dịch của bà Harris là thiếu một chiến lược chính sách rõ ràng. Trang web vận động tranh cử của bà không đưa ra bất kỳ ngôn ngữ chính sách cụ thể nào, và mặc dù bà đã nói về chương trình nghị sự kinh tế và chính sách đối ngoại tại các sự kiện vận động, nhưng thông tin chi tiết vẫn rất hạn chế.
Chiến lược gia kỳ cựu của đảng Dân chủ Doug Herman cho rằng bà Harris cần làm rõ các lập trường chính sách của mình để thu hút được sự ủng hộ rộng rãi hơn từ cử tri. Điều này cũng đòi hỏi bà phải quyết định xem sẽ tách mình ra khỏi những phần trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden mà có thể không được lòng cử tri, chẳng hạn như việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm 2021.
Một vấn đề khác mà bà Harris phải đối mặt là sự ủng hộ chưa đủ mạnh từ nam giới và cử tri da trắng, cả trên toàn quốc lẫn tại các bang chiến trường. Trong khi bà đã tiếp cận được hầu hết các nhóm nhân khẩu học khác, việc thiếu sự ủng hộ từ những nhóm cử tri quan trọng này có thể là một thách thức lớn.
Chiến lược gia Herman nhận định rằng việc thúc đẩy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong các nhóm cử tri khác sẽ có lợi hơn nhiều cho chiến dịch của bà Harris. Tuy nhiên, trong một cuộc bầu cử sít sao như hiện tại, bà Harris không thể bỏ qua bất kỳ nhóm cử tri nào.
Như vậy, dù có những dấu hiệu tích cực từ Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Harris vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Từ các cuộc thăm dò ý kiến sít sao đến việc thiếu chiến lược chính sách rõ ràng, bà Harris cần tìm cách vượt qua những trở ngại này nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()