Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:10 (GMT +7)
Bất thường trên mắt cảnh báo bạn đang thừa cholesterol
Thứ 6, 17/09/2021 | 09:46:52 [GMT +7] A A
Cholesterol có thể lắng đọng quanh mắt, tạo thành các cục mỡ màu vàng và là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Theo Medical News Today, chất béo tự nhiên, gồm cả cholesterol, có thể phát triển thành các khối u xung quanh mí mắt. Hiệp hội Da liễu Mỹ gọi cholesterol tại vùng này là xanthelasma.
Xanthelasma có thể xuất hiện đơn thuần do chất béo tích tụ. Tuy nhiên, với không ít trường hợp, sự xuất hiện của các hạt, khối u này cảnh báo tình trạng cholesterol cao, suy giáp hoặc bệnh lý về gan.
Triệu chứng
Cặn cholesterol là những cục mềm, phẳng, màu vàng nhạt. Chúng có xu hướng xuất hiện ở mí mắt trên và dưới, gần góc trong của mắt và thường phát triển xung quanh cả hai mắt. Theo tài liệu của Trường Y Harvard, cặn cholesterol cũng có thể hình thành gần mũi.
Những tổn thương này có thể không thay đổi về kích thước hoặc phát triển chậm theo thời gian. Đôi khi, chúng liên kết với nhau và tạo thành các cục u lớn, theo nhóm. Nếu các khối u chạy dọc mặt, tạo thành tổ hợp, lúc này, chúng được gọi là xanthelasmata. Khi xuất hiện ở vùng khác trên da, chúng có tên khoa học là xanthoma.
Xanthelasmata thường không gây đau hoặc ngứa. Chúng hiếm khi ảnh hưởng thị lực hoặc chuyển động của mí mắt. Tuy nhiên, nhiều người bị sụp mí mắt khi các hạt cặn cholesterol xuất hiện.
Nguyên nhân
Sự lắng đọng cholesterol có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, những người từ độ tuổi trung niên trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao. Phụ nữ dễ gặp phải tình trạng này hơn nam giới.
Đến nay, các chuyên gia y tế chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây tình trạng cặn cholesterol trên mắt. Giả thuyết được nhiều y, bác sĩ tin tưởng đó là xanthelasma có liên quan mức lipid bất thường trong máu, còn gọi là rối loạn lipid máu.
Rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ tích tụ cholesterol trên thành động mạch. Điều này có thể ức chế lưu lượng máu đến tim, não và các khu vực khác trên cơ thể. Nó cũng làm tăng nguy cơ đau thắt ngực, đau tim, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại vi.
Rối loạn lipid máu có thể do rối loạn di truyền như tăng cholesterol trong máu, tăng triglycerid máu, thiếu hụt lipoprotein lipase. Những người gặp các tình trạng nói trên dễ có mức lipid cao bất thường dù sức khỏe tốt, không triệu chứng lạ.
Ngoài ra, rối loạn lipid máu cũng có thể xuất phát từ lối sống như chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa, cholesterol; người thừa cân, béo phì; nhóm lười vận động, tập thể dục; nghiện rượu; hút thuốc.
Bệnh nhân bị tiểu đường, thận mạn tính, suy giáp, huyết áp cao, xơ gan, tiền sử gia đình có người bị đột quỵ, bệnh tim, sử dụng một số loại thuốc như retinoid, steroid đồng hóa, chen beta, thuốc tránh thai… cũng có nguy cơ bị rối loạn lipid máu cao và dẫn tới các hạt cặn cholesterol quanh mắt.
Một nghiên cứu năm 2011 đăng trên tạp chí BMJ Case Reports phát hiện cholesterol tích tụ trên mí mắt còn liên quan nguy cơ đau tim, mắc bệnh tim, ngay cả ở người không bị rối loạn lipid máu.
Làm gì khi có cặn cholesterol quanh mắt?
Xanthelasma thường có thể chẩn đoán bằng hình ảnh. Nếu chưa thể kết luận, bác sĩ sẽ lấy máu xét nghiệm nồng độ lipid. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu kiểm tra tiểu đường, chức năng gan, đánh giá nguy cơ bị bệnh tim mạch, đột quỵ…
Các cặn cholesterol xung quanh mắt thường không gây đau, khó chịu, tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng thẩm mỹ. Các cách để loại bỏ hạt cặn cholesterol phụ thuộc kích thước, vị trí và tài chính của bệnh nhân.
Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ (sử dụng lưỡi dao nhỏ để loại bỏ khối u, mất ít nhất 4 tuần để hồi phục); cauterization hóa học (dùng axit axetic clo hóa nhằm loại bỏ cặn bẩn và không để lại sẹo); áp lực (làm lạnh các cặn nhiều lần, nguy cơ để lại sẹo cao, thay đổi màu da quanh mắt); laser carbon dioxide và argon (ít xâm lấn hơn phẫu thuật, tỷ lệ thành công cao nhưng có nguy cơ thay đổi sắc tố da)...
Sau khi cắt bỏ, người bệnh có thể bị sưng, bầm tím quanh mí mắt trong vài tuần. Tuy nhiên, các hạt cặn cholesterol cũng dễ tái phát, nhất là người có hàm lượng chất này cao. Do đó, cách duy nhất để ngăn tình trạng này tái phát là thay đổi lối sống, chế độ ăn uống. Nếu cải thiện lối sống, hạ cholesterol xuống mức cho phép, các hạt cặn cũng sẽ tự động biến mất.
Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên giảm cân. Bởi thông qua cách này, lượng cholesterol và lipid máu dư thừa sẽ đào thải bớt ra khỏi cơ thể. Chúng ta cũng nên giữ chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol. Mỗi bữa ăn, bạn nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sử dụng thực phẩm ít béo, không chứa cholesterol như đậu lăng, yến mạch, quả họ cam quýt.
Hoạt động thể chất là yếu tố then chốt khi điều trị rối loạn lipid máu, cholesterol cao. Bạn nên đạp xe, đi bộ nhanh, bơi lội bởi nó còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
Người bị cholesterol cao không nên uống rượu và hút thuốc. Bởi chúng đều là những sản phẩm gây hại cho sức khỏe tim mạch, gan, thận và tăng nguy cơ mắc ung thư. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng thuốc hạ mỡ máu để cải thiện tình trạng sức khỏe.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()