Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:26 (GMT +7)
“Bắt tay” để cùng thắng
Thứ 7, 31/08/2024 | 08:21:06 [GMT +7] A A
Xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị nói chung và chuỗi an toàn, bền vững nói riêng là con đường ngắn nhất góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập cho người nông dân; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
HTX chè Đường Hoa Cương (huyện Hải Hà) được thành lập năm 2017 - thời điểm khó khăn nhất của cây chè Hải Hà. Khi đó chè không xuất khẩu được, tiêu thụ nội địa cũng hạn chế, giá chè xuống thấp, người dân thôi hái chè, có hộ bắt đầu tính đến việc phá bỏ cây chè để thay thế bằng cây trồng khác. Trước tình hình này, những hộ trồng chè Hải Hà quyết định tập hợp nhau, nêu cao tính đoàn kết, tương hỗ, cùng ngồi lại để nhận định tình hình và tìm cách khắc phục khó khăn.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng, Giám đốc HTX chè Đường Hoa Cương, cho biết: Chúng tôi có hơn 40 người, đều là những người trồng và sao chè. Chúng tôi thống nhất với nhau thay đổi phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ; phân chia thời gian, đối tượng làm chè tinh, làm chè thô; tránh thu hoạch ồ ạt cùng thời điểm, tránh làm cùng một loại chè và xuất bán vào cùng một thị trường, như vậy chúng tôi sẽ tự dẫm lên chân mình... Ông Nguyễn Đức Minh (thôn 8, xã Quảng Long) thành viên HTX chè Đường Hoa Cương, cho biết: Gia đình tôi chọn cách áp dụng quy trình VietGAP vào canh tác, hạn chế sử dụng các loại phân, thuốc gốc hoá học, thay vào đó là các chất gốc sinh học; đảm bảo đủ nước tưới cho cây, chuyển đổi dần từ việc hái chè bằng máy sang hái bằng tay, đáp ứng yêu cầu 1 tôm 2 lá để có thể chế biến ra những loại trà khô thơm ngon.
Sau một thời gian tuân thủ các nguyên tắc chung của HTX chè Đường Hoa Cương đề ra, chè Hải Hà có dấu hiệu tiêu thụ ổn định trở lại. Kể từ năm 2019 đến nay, cây chè Hải Hà nâng dần được giá bán và người trồng chè có lãi. Hiện tổng sản lượng chè khô của Hải Hà khoảng 1.000 tấn, trong đó 60% xuất dạng nguyên liệu cho các thị trường nước ngoài, số còn lại là sản phẩm chè tinh, tiêu thụ trong nước. Lợi nhuận tiêu thụ trong nước cao gấp 3 lần so với xuất thô. "Cùng đoàn kết và hợp tác là nguyên tắc hoạt động, cũng là nền tảng, cơ sở để đi đến kết quả. Chè Hải Hà sẽ không bị phá giá nếu như 43 anh em chúng tôi vẫn ngồi với nhau, vẫn “bắt tay” nhau được để làm ăn" - Giám đốc HTX chè Đường Hoa Cương khẳng định.
Cùng với chè Hải Hà, rất nhiều loại nông sản khác trên toàn tỉnh nằm trong những mô hình chuỗi sản xuất, chuỗi chế biến, hoặc chuỗi tiêu thụ, thúc đẩy nông sản phát triển và mang lại doanh thu, lợi nhuận cho người dân. Ví như dự án liên kết trồng lúa ĐT37 giữa 190 hộ nông dân thôn 2, xã Nguyễn Huệ (TX Đông Triều) với HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Nguyễn Huệ và Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh. Vùng liên kết trồng cây ba kích xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ) với Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, đây là tiền đề để xã Thanh Lâm đặt mục tiêu trồng mới trên 10ha ba kích mỗi năm, đến năm 2025 trở thành trung tâm cung ứng củ ba kích chất lượng cao cho toàn vùng.
Thúc đẩy sản xuất có liên kết, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển các HTX, tổ hợp tác, lấy đây là những tổ chức sản xuất nòng cốt trong đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể ở nông nghiệp. Tại vùng vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí), HTX Vải chín sớm Phương Nam tiên phong dẫn dắt xã viên cũng như người dân trồng vải Phương Nam ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong canh tác cây vải chín sớm, ưu tiên canh tác hữu cơ, hạn chế tối đa, tiến tới loại bỏ việc lạm dụng các loại phân, thuốc có gốc hóa học, thay thế vào đó là các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có gốc sinh học. Tại TX Đông Triều, nhận được sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật, cung ứng vật tư đầu vào từ HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Bình Khê, gần 200ha cây vải của người dân xã Bình Khê nhiều năm qua phát triển rất tốt. HTX còn liên kết tổ chức sản xuất trực tiếp với những mô hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, như trồng rau xanh, dưa chuột trong nhà lưới, nhà màng…
Liên kết sản xuất, “bắt tay” để cùng thắng là yêu cầu tất yếu trong xu thế phát triển kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng. Nông dân Quảng Ninh đã và đang triển khai việc này tương đối tốt, tạo nên khối đoàn kết và sức mạnh chung để vươn tới những thắng lợi.
Việt Hoa
- Mối liên kết mật thiết: Tôn giáo – Chủ quyền quốc gia – Di sản văn hóa
- Sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái
- Cà phê Doanh nhân ngành Nông nghiệp - Nông thôn năm 2024
- Phát triển nông nghiệp bền vững
- Đông Triều hướng tới nền sản xuất nông nghiệp đô thị
- Hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất lĩnh vực du lịch, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn
Liên kết website
Ý kiến ()