Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:38 (GMT +7)
Bắt nhịp chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Thứ 3, 23/08/2022 | 07:57:59 [GMT +7] A A
Trên hành trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, ngành Nông nghiệp đã từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi quy trình sản xuất để tạo dựng môi trường sản xuất ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Đồng thời, cơ cấu lại ngành theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững.
Đông Triều là địa phương được coi là “lá cờ đầu” trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, hướng đến các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hiện nay, nhiều công ty nông nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thị xã đã bắt nhịp được tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng sâu tiến bộ của công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điển hình, tại Công ty TNHH Long Hải đứng chân tại Cụm Công nghiệp Kim Sơn (phường Kim Sơn) đã và đang tìm được thành công khi ứng dụng công nghệ cao sản xuất các loại nấm ăn cao cấp và nấm dược liệu. Thiết bị, dây chuyền tự động sản xuất nấm theo công nghệ sinh học trong nhà lạnh của Nhật Bản với mức đầu tư trị giá trên 50 tỷ đồng của Công ty với ưu điểm kiểm soát chặt chẽ mọi yếu tố từ nhiệt độ, độ ẩm đến ánh sáng… bằng hệ thống tự động hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, vừa giúp đơn vị giảm sức lao động, vừa đảm bảo tính vô trùng, giúp cây nấm phát triển tốt đảm bảo VSATTP và giữ lại được hàm lượng vi chất cao. Sản phẩm nấm Việt của Công ty là một trong những sản phẩm OCOP đạt 4 sao chất lượng của tỉnh, đã có mặt tại các siêu thị lớn và nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Trên địa bàn TX Đông Triều, nhiều đơn vị, HTX và hộ dân cũng ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật), thiết bị cảm ứng nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… để tự động hóa việc chăm sóc cây trồng, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định. Nhiều hộ dân đã chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng trong việc cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho sản phẩm nông nghiệp để mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn giao dịch điện tử, hoặc cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.
Tháng 4/2022, Đông Triều cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh chính thức đưa vào sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu. Thiết bị này có năng suất rất cao, mỗi ngày có thể phun được từ 70-80ha cây trồng các loại, giúp người nông dân tiết kiệm được đến 30% chi phí cho thuốc trừ sâu, 90% lượng nước và quan trọng hơn nữa là bảo vệ sức khỏe người nông dân.
Không chỉ tập trung chuyển đổi số khâu sản xuất, nhiều người dân, doanh nghiệp, HTX đã nắm bắt cơ hội chuyển đổi số để chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với các đơn vị chức năng trong việc hiện đại hóa, quy chuẩn hóa sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, nhiều sản phẩm được cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc. Nhờ việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, quy trình thương mại, mã hóa thông số... nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao của người nông dân đã đưa lên các sàn thương mại điện tử uy tín như Tiki, Lazada, Shopee và người tiêu dùng đón nhận, ưa chuộng.
Đồng hành với người nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã hỗ trợ cung cấp thông tin của 456 sản phẩm OCOP của 13 địa phương trong tỉnh với 27 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhiều trang thông tin điện tử, siêu thị, chợ và 5 sàn thương mại điện tử; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Nhằm tạo sự minh bạch cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, Sở NN&PTNT cũng đã đưa phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn vào hoạt động. Hệ thống hiện đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho 142 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế… trên địa bàn; tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn.
Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh các nội dung khác trong giai đoạn chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025 lộ trình đến năm 2030. Trong đó, tập trung phát triển chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp…
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()