Thịnh (26 tuổi, nhân viên tiếp thị cho một công ty nước ngoài ở TP HCM) chiều qua không buồn nhìn bảng giá. Cậu dành cả buổi nhờ bạn bè tìm số điện thoại của một người có chuyên môn về chứng khoán, trừ nơi cậu mở tài khoản. Có được thông tin của một trưởng phòng tư vấn đầu tư, cậu tức tốc gọi ngay lúc 10 giờ đêm, dù chưa từng quen biết hay gặp mặt trước đó.
"Em xin anh ba phút thôi. Anh thương tình xem giúp em CII nên giữ hay bán?", cậu nói gần như khóc.
Tuần trước, theo lời hô hào của môi giới, Thịnh đổ hơn 400 triệu tiết kiệm vào cổ phiếu này khi giá trên vùng đỉnh 61.500 đồng. Cậu tính nếu đúng lời môi giới, giá lên 90.000 đồng trước Tết, tiền lời phải gần 200 triệu. Thịnh chưa bao giờ nghĩ đây là kịch bản lý tưởng nhất và tất nhiên cũng khó xảy ra nhất.
Thông tin doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm bỏ cọc nối tiếp thông tin tiêu cực liên quan đến cổ phiếu FLC khiến thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh. Chỉ hơn một tuần, VN-Index mất khoảng 100 điểm, từ đỉnh 1.528 điểm có lúc rơi thủng mốc 1.430 điểm. Trong đó, có phiên gần 100 cổ phiếu giảm sàn, chỉ số mất 43 điểm, sâu nhất trong vòng năm tháng qua. CII, cổ phiếu của doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án tại Thủ Thiêm, cũng không ngoại lệ. Mã này vừa có chuỗi giảm hết biên độ năm phiên, đến hôm qua còn chưa đến 40.000 đồng.
Tài khoản của Thịnh giảm gần 150 triệu đồng. Mỗi sáng mở bảng điện tử, cậu lưỡng lự không biết làm gì tiếp theo: nên cắt lỗ và chấp nhận "khoản học phí đắt đỏ" nhất từ khi tham gia thị trường, hay đánh liều mua thêm để bình quân giá, hay nhắm mắt chờ ngày "về bờ".
"Lỗ một tuần bằng tiền lương nửa năm cộng lại nên em không tin môi giới nữa. Bây giờ, anh nói sao em nghe vậy", Thịnh nài nỉ vị trưởng phòng.
Trường hợp của Thịnh, theo ông Võ Công Minh – Giám đốc kinh doanh Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán ACB, vừa đáng thương nhưng cũng đáng trách. 400 triệu là số tiền không lớn với nhiều người nhưng có thể là gia tài với một thanh niên 26 tuổi. Đáng trách là cậu tất tay vào một mã cổ phiếu nhưng đặt hai thứ sai chỗ.
Thứ nhất là niềm tin tuyệt đối vào môi giới, nên không tự tìm hiểu giá trị nội tại của doanh nghiệp, không biết cách định giá cổ phiếu và cũng không đánh giá thông tin nhanh nhạy để ra quyết định trong trường hợp bất như ý.
Thứ hai là đặt kỳ vọng khó tưởng (lãi hơn 40% trong hai tuần) mà lại không tính đến rủi ro, sức chịu đựng của bản thân.
Nhìn rộng ra từ câu hỏi nên giữ hay bán của Thịnh, ông Minh cho rằng thị trường đang trong những ngày bão lớn nên nhà đầu tư phải ưu tiên quản trị rủi ro bằng cách chia các cổ phiếu trong danh mục làm hai nhóm.
Nhóm đầu tiên là những cổ phiếu đầu cơ theo dòng tiền, vận động theo nguyên tắc "quả banh lông": lên nhanh vì kỳ vọng thì xuống nhanh khi kỳ vọng không còn, thậm chí mất thanh khoản. Nhóm thứ hai là cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt nhưng nằm trong những ngành vừa tăng mạnh như bất động sản, chứng khoán, vật liệu xây dựng nên khi dòng tiền rút đi thì các mã này cũng bị điều chỉnh theo hiệu ứng dây chuyền.
"Nhà đầu tư nếu phân loại được, tức hiểu lý do mình mua, thì sẽ trả lời được câu hỏi lúc này nên giữ hay bán", ông Minh nói.
Trong trường hợp muốn bảo toàn thành quả ít ỏi còn lại, ông Minh khuyên nhà đầu tư không chần chừ. Ngược lại, nếu đã lỗ nhưng không sử dụng vốn vay từ công ty chứng khoán (margin), chuyên gia này cho rằng nhà đầu tư có thể bình tĩnh chờ những nhịp điều chỉnh kỹ thuật mới giảm bớt tỷ trọng. Dấu hiệu để nhận biết những nhịp hồi này là giá nhích lên, nhưng thanh khoản vẫn èo uột.
Ý kiến ()