Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:41 (GMT +7)
Bắt đầu cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân từ ngày 25/2/2022
Thứ 5, 24/02/2022 | 00:06:29 [GMT +7] A A
Dự kiến từ ngày 25/2/2022, Bộ Công an bắt đầu cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân trên phạm vi toàn quốc. Với tài khoản định danh điện tử, công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công, các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển tiền...
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), hiện việc đăng ký tài khoản định danh điện tử chưa bắt buộc nhưng khuyến khích nên làm, vì sau này các dịch vụ công đều sẽ thực hiện thông qua định danh điện tử.
Ngồi tại nhà có thể thực hiện nhiều dịch vụ công
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, tài khoản định danh điện tử bao gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân) và mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân). Tài khoản này đã được Bộ Công an xác thực thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo tính chính xác, duy nhất và không thể giả mạo.
Với tài khoản định danh điện tử, công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan nhà nước. Khi sử dụng danh tính điện tử, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin bằng tay như lâu nay. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai như trước nay đã làm.
Ngoài ra, công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ ba thông qua quét mã QR hoặc giải pháp kỹ thuật khác, khi hệ thống của bên thứ ba đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử. Tài khoản định danh điện tử cũng có thể thay thế căn cước công dân vật lý và tích hợp hiển thị các loại giấy tờ của công dân như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm y tế...
Đặc biệt, với định danh điện tử, công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng Bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền...
Cũng theo Quyết định 34/2021 của Thủ tướng, công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử. Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Cũng theo đại diện Cục C06, hiện việc đăng ký tài khoản định danh điện tử chưa bắt buộc nhưng khuyến khích nên làm, vì sau này các dịch vụ công đều sẽ thực hiện thông qua định danh điện tử.
Ba bước để đăng ký định danh điện tử
Đại diện C06 cho biết, từ ngày 25/2, đơn vị sẽ bắt đầu tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân trên phạm vi toàn quốc. Trong giai đoạn đầu, Bộ Công an sẽ thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử trực tiếp tại trụ sở đơn vị Công an, thông qua công tác cấp căn cước công dân gắn chip; sau này sẽ nghiên cứu việc đăng ký qua hình thức trực tuyến.
Về quy trình, khi công dân đến cơ quan công an quận/huyện/tỉnh/thành phố làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip thì có thể thực hiện đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và cung cấp các thông tin theo 3 bước.
Bước 1: Công dân thông báo với cán bộ về việc làm hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Thông tin đăng ký bao gồm: Số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử (email). Công dân có thể cung cấp thêm các thông tin về người phụ thuộc cùng giấy tờ kèm theo (nếu công dân có nhu cầu tích hợp các thông tin này vào hồ sơ đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử). Trường hợp công dân có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... thì mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.
Bước 2: Công dân thực hiện làm hồ sơ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip điện tử bao gồm thông tin nhân thân/thân nhân cùng thông tin sinh trắc.
Bước 3: Cán bộ tiếp tục xử lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip theo đúng quy trình cấp căn cước công dân.
Trước đó, tháng 1/2022, Thủ tướng ký Quyết định 06 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án đặt mục tiêu năm 2022 sẽ hoàn thành việc kết nối, tích hợp hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an với cổng dịch vụ công quốc gia (trong quý I). Mục đích để phục vụ định danh, xác thực, tạo lập tài khoản điện tử của cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID). Trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức...
Theo TTXVN/Báo Tin Tức
Liên kết website
Ý kiến ()