2 năm đương đầu với đại dịch Covid-19 với vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng Quảng Ninh đã hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ kép”, vừa giữ an toàn sức khoẻ, tính mạng cho nhân dân, vừa duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhiều giá trị mới của Quảng Ninh có thể nói đã được nhận diện rõ hơn, để nuôi dưỡng, bật chồi, trở thành động lực phát triển mạnh mẽ của tỉnh. Những giá trị mới đã giúp Quảng Ninh bứt phá trong đại dịch, là địa phương đứng thứ 2 của cả nước về tăng trưởng kinh tế (10,28%) năm 2021; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng cho dư địa phát triển giai đoạn tới.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh đang từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.
* Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, kéo theo sự thay đổi lớn trong cơ cấu tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh. Khu vực Công nghiệp – Xây dựng đã được xác định là trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chính là “chìa khoá” tạo bứt phá cho tăng trưởng khu vực này và cả nền kinh tế.
Công nghiệp chế biến chế tạo dần đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.
- Riêng năm 2021, Quảng Ninh đã thu hút được 10 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm 7 dự án FDI, với số vốn đầu tư đăng ký 935,025 triệu USD và 3 dự án vốn đầu tư trong nước, với số vốn đầu tư đăng ký 4.468 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 44 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với số vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 112 triệu USD.
- Tổng vốn đầu tư thu hút vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 đạt trên 28.700 tỷ đồng, gấp 3,59 lần so với mục tiêu đặt ra (bình quân 8.000 tỷ đồng/năm).
- Tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 35.000 lao động.
Để tiếp tục tạo đột phá về hạ tầng giao thông, ngay năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh đã tập trung tăng tốc, triển khai thêm các công trình giao thông trọng điểm, mở rộng không gian phát triển đô thị, thu hút thêm nguồn lực đầu tư.
Dù tác động của bệnh dịch Covid – 19, đã khiến việc đi lại của người dân bị hạn chế, tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên một số lĩnh vực, hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng được kiểm soát nghiêm ngặt nên các doanh nghiệp vận tải chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Tuy nhiên, do triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp ngành GTVT tiếp tục có những tăng trưởng đột phá, đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của tỉnh.
- Triển khai các kế hoạch phòng, chống Covid -19, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và của tỉnh, năm 2021 ngành GTVT Quảng Ninh đã tham mưu, ban hành gần 300 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng chống dịch bệnh; đề xuất, triển khai các phương án tổ chức hoạt động vận tải, đào tạo sát hạch linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh; bố trí lực lượng tham gia tại các chốt liên ngành. Kiểm soát gần 5 triệu người và ra, vào tỉnh nhằm đảm bảo phòng chống nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn trong việc lưu thông, vận chuyển bằng vận tải đường thủy nội địa giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước trong thời gian diễn ra dịch bệnh phù hợp với điều kiện vận tải đường thủy nội địa.
- Cuối tháng 9/2021, Thường trực UBND tỉnh đã tổ chức họp rà soát tiến độ triển khai các thủ tục pháp lý để hỗ trợ việc chuẩn bị khởi công, khởi động 4 dự án trọng điểm tại tỉnh ngay trong tháng 10/2021, gồm: Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại TX Quảng Yên và TP Hạ Long; Dự án Sân golf Đông Triều; trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh; Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1). 4 dự án này không chỉ có mức đầu tư rất lớn (tổng mức đầu tư lên tới 283.000 tỷ đồng) mà còn “nhắm trúng” vào trọng điểm chiến lược ưu tiên phát triển của Quảng Ninh, đó là: Đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, tập trung cho chế biến chế tạo và phát triển các lĩnh vực kinh tế theo hướng từ "nâu" sang "xanh".
Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển hạ tầng thông qua việc bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông kết nối mang tính chất liên vùng, như: Đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 2, giai đoạn 3 kết nối với Vân Đồn; cầu Cửa Lục 2 và các cầu kết nối vùng (TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương...).
Hai năm qua, tình dịch bệnh phức tạp nên hoạt động vận tải bị ảnh hưởng rất lớn, các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải hành khách, doanh nghiệp dừng hoạt động, doanh nghiệp hoạt động 30% công suất. Để giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường triển khai, hướng dẫn các hoạt động vận tải tập trung vào các nội dung: giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp; xây dựng phương án hướng dẫn hoạt động vận tải, phương án phân luồng, kiểm soát khai báo y tế... Riêng ngành GTVT có trên 200 văn bản hướng dẫn.
Do đó, dù sản lượng hành khách thấp, tuy nhiên sản lượng hàng hóa tăng cao, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 88.251.100, bằng 117,2% năm 2020; doanh thu vận tải, bốc xúc đạt 29.328 tỷ đồng, bằng 111,7% năm 2020.
Trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quảng Ninh đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt để khống chế dịch bệnh nhanh chóng, đồng thời, nỗ lực để đảm bảo các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh được diễn ra an toàn và thuận lợi, thực hiện thành công mục tiêu kép. Bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo luôn cầu thị, lắng nghe và không ngừng đổi mới; cùng với việc thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược trong cải cách hành chính, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực đã giúp Quảng Ninh ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
- Tháng 1/2020, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh ban hành Kế hoạch 377-KH/TU triển khai thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
- Tháng 8/2020, Quảng Ninh phối hợp với Bộ KH&ĐT và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2020 với sự tham gia của 50 CEO tập đoàn lớn Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam...
- Tháng 9/2020, Quảng Ninh cùng với Vĩnh Phúc và Nghệ An đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và JETRO tổ chức hội thảo - giao thương trực tuyến giữa Việt Nam và Nhật Bản.
- Tháng 10/2020, Quảng Ninh tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Nghị quyết đại hội đặt mục tiêu hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.
- Tháng 4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-QN/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
- Tháng 12/2021, Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh năm 2021 với chủ đề “Quảng Ninh - Hội tụ và lan tỏa”. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự quan tâm của gần 400 doanh nghiệp tại điểm cầu Việt Nam và Nhật Bản.
- Hai năm 2020 và 2021, hoạt động Xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước được triển khai linh hoạt, tiếp cận chủ động và tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến, trọng tâm vào xúc tiến đầu tư tại chỗ, Quảng Ninh thu hút thêm được 81 dự án.
- Riêng năm 2021, bất chấp những bất lợi do đại dịch gây ra, tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách của tỉnh đạt trên 360.000 tỷ đồng. Trong đó, thu hút FDI đạt trên 1,1 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2020. Trên địa bàn tỉnh hiện có 145 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 8,15 tỷ USD. Trong đó, có 85 dự án trên địa bàn các KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,19 tỷ USD; 60 dự án ngoài KCN, KKT với tổng vốn đầu tư trên 3,96 tỷ USD. Luỹ kế vốn đầu tư thực hiện ước đạt 5,69 tỷ USD, đạt 70% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Thực hiện: Hồng Nhung - Đỗ Phương - Mạnh Trường
Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn