4
18
/
1100379
Bảo vệ và nhân lên sức mạnh “ý Đảng, lòng Dân" của Cách mạng Tháng Tám
longform
Bảo vệ và nhân lên sức mạnh “ý Đảng, lòng Dân" của Cách mạng Tháng Tám

Cover

Cách đây 76 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên tiến hành cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một trong những nhân tố có tính quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là do Đảng ta đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt đường lối đoàn kết toàn dân tộc, liên hiệp mọi lực lượng yêu nước, không phân biệt tôn giáo, xu hướng đảng phái chính trị, giai cấp, trong một Mặt trận Dân tộc thống nhất. 

CHIẾN THẮNG CỦA “Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN”

Dù ở mỗi thời kỳ cách mạng, trong từng nhiệm vụ mang những tên gọi khác nhau nhưng có thể nói Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam chính là nơi hội tụ của “ý Đảng, lòng Dân”, là nơi tập hợp các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng. Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định rất rõ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng là đánh đổ đế quốc thực dân và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, đưa người dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Ngay từ khi thành lập, trong Chánh cương vắn tắt, Đảng ta xác định nhiệm vụ của cách mạng đó là: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập...”(1).

Cần khẳng định, đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng mà Đảng ta xác định là hoàn toàn đúng đắn. Trên cơ sở nền tảng ấy, trong quá trình lãnh đạo căn cứ vào biến chuyển cụ thể của tình hình từng giai đoạn, Đảng ta không ngừng bổ sung, phát triển cho sát hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu. Những mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng mà Đảng ta xác định đó cũng là khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta - khát vọng được làm chủ đất nước, được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng Dân” đã trở thành sợi dây gắn kết cả dân tộc Việt Nam lại với nhau tạo thành sức mạnh tổng hợp của cách mạng. Xuyên suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn nhất quán và đặt nội dung ấy vào nhiệm vụ trung tâm của cách mạng. 

Từ năm 1930 đến 1945, Đảng ta đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bám sát tình hình thế giới và trong nước, đề ra nhiều chủ trương, đường lối, giải pháp cách mạng đúng đắn, phù hợp lãnh đạo toàn dân kết thành một khối đứng lên đấu tranh giành thắng lợi. 

Ngay sau khi thành lập, Đảng ta đã kịp thời lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và phong kiến bằng cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Mặc dù chưa thành công và bị thực dân Pháp dìm trong biển máu nhưng cao trào cách mạng 1930-1931 đã khẳng định sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây chính là cuộc tổng diễn tập đầu tiên nhằm chuẩn bị thế và lực cho tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám sau này. 

Tình hình thế giới và trong nước sau cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất có những diễn biến mới. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 7-1936), Đảng ta xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương là chống đế quốc và chống phong kiến; nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo và hòa bình. 

Để thực hiện nhiệm vụ đó, Đảng ta xác định thay đổi chủ trương, hình thức và phương pháp cách mạng, bằng việc kêu gọi các đảng phái chính trị, các tổ chức quần chúng và nhân dân hành động, đấu tranh thông qua phong trào dân chủ 1936-1939. Mục tiêu của phong trào dân chủ là đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Để tập hợp quần chúng nhân dân, phát huy được sức mạnh “lòng dân”, Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương. Bằng sức mạnh đoàn kết và tinh thần đấu tranh kiên quyết của quần chúng, phong trào dân chủ 1936-1939 đã buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách cụ thể trước mắt về dân sinh, dân chủ. Thông qua phong trào, quần chúng nhân dân được giác ngộ về chính trị, tích cực tham gia vào Mặt trận Dân tộc thống nhất và trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng… Có thể nói phong trào dân chủ 1936-1939 là cuộc tổng diễn tập lần thứ hai chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 

Trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ngày 6/11/1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 được triệu tập. Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị đã đề cập tới việc tận dụng thời cơ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và đề ra đường lối đấu tranh vũ trang nhằm lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Với đường lối cách mạng được đề ra tại Hội nghị Ban Chấp Hành Trung ương Đảng lần thứ 6, cách mạng Việt Nam bước vào một giai đoạn mới - giai đoạn trực tiếp chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc và chính quyền về tay nhân dân.

Đặc biệt, trước những chuyển biến mạnh mẽ của tình hình trong nước và những biến động to lớn, mau lẹ của tình hình thế giới, tháng 5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 của Đảng họp dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh để quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Nghị quyết Hội nghị đã chỉ rõ: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(2).

Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ đó, vấn đề đặt ra là phải tập hợp, đoàn kết được mọi lực lượng, mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội vào một mặt trận dân tộc thống nhất. Nhằm giải quyết vấn đề này, ngày 19/5/1941, Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát-xít Pháp - Nhật lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh được thành lập. Trong tuyên bố của mình, Việt Minh đã chỉ rõ: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn"(3). Việt Minh cũng nhận thấy rõ tinh thần và ý chí cách mạng của quần chúng nhân dân là rất lớn, nhân dân luôn sẵn lòng hy sinh tài sản và tính mạng để thực hiện mục tiêu làm chủ đất nước, sống trong hòa bình, độc lập, tự do. 

Bằng những chủ trương đúng đắn, chỉ trong thời gian ngắn dưới ngọn cờ cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội đã quy tụ, tập hợp, phát huy cao độ tinh thần cố kết cộng đồng, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh anh dũng, quật cường của toàn dân tộc để góp phần vào thành công của cách mạng. Có thể nói dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, tinh thần yêu nước, sức mạnh quật cường của “lòng Dân” được nhân lên gấp bội. Các đoàn thể cứu quốc như: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… là những hình thức được Mặt trận Việt Minh tổ chức và phát triển rộng khắp. Khi sức mạnh của “ý Đảng, lòng Dân” hội tụ thì tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức cùng các tầng lớp lao động khác đã thực sự trở thành động lực chủ yếu của cách mạng. 

Đầu tháng 8/1945, tình hình thế giới, đặc biệt là Chiến tranh thế giới thứ 2 diễn ra theo chiều hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Đảng ta đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhìn thấy thời cơ ngàn năm có một đang đến gần. Trong bối cảnh cùng lúc phải đối phó với nhiều lực lượng quân sự nước ngoài tràn vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật, Đảng ta nhận thấy nếu không đón bắt được thời cơ và kịp thời hành động thì cách mạng sẽ khó khăn. Từ những nhận định, phân tích ấy, chớp thời cơ Đảng ta đã đoàn kết và khơi dậy, phát huy sức mạnh của “lòng Dân”, phát động Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trên toàn quốc. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. 

Với Quảng Ninh, trong chiến thắng Cách mạng Tháng Tám của cả dân tộc, có đóng góp quan trọng của quân và dân Vùng mỏ anh hùng, đã đứng lên đấu tranh, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương tiến hành giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Từ thắng lợi ở Đệ tứ chiến khu Đông Triều đã tạo tiền đề, sức mạnh để quân và dân Vùng mỏ khởi nghĩa giành thắng lợi vang dội ở Quảng Yên, tiếp đó là Hồng Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Tiên Yên...

Ảnh với chú thích
Giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám tại khu mỏ Hòn Gai (tranh tại Bảo tàng Quảng Ninh)

SỨC MẠNH “Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN” TRONG THỜI KỲ MỚI

Sự thật đã chứng minh thuyết phục, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là thắng lợi của sức mạnh “ý Đảng, lòng Dân”, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc biết chớp thời cơ, vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng dân tộc.

Kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Quảng Ninh đã vận dụng vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình đổi mới không ngừng của tỉnh. 

Tinh thần Cách mạng Tháng Tám bất diệt sẽ là hành trang vững chắc cho mỗi bước đường tiến lên, phát triển của Đất nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Quảng Ninh đã và đang đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực trong công cuộc xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn.

Thế nhưng, đâu đó vẫn có một số tổ chức, cá nhân thù địch với Việt Nam cố tình bóp méo, xuyên tạc tính chất và ý nghĩa của vấn đề lịch sử này. 

Do động cơ, mục đích đen tối, họ cố tình phủ nhận rằng, chẳng có sự thống nhất, tinh thần đoàn kết nào, dưới sự lãnh đạo của ai cả mà đó chỉ là hành động "bột phát, vô thức" của người dân phẫn uất do bị áp bức, bóc lột đứng lên giành chính quyền. Khi bàn về vai trò của các tầng lớp, các giai cấp trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, họ cho rằng giai cấp nông dân Việt Nam đã nhận thức được “mệnh trời” và vai trò của mình. Bằng cái nhìn chủ quan, phiến diện, thiển cận đó họ cho rằng, thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 vai trò nổi dậy của giai cấp nông dân Việt Nam mới là quyết định.

Luận điệu trên không nằm ngoài mục tiêu phủ nhận giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phủ phận sức mạnh của sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Nhưng họ đã lầm. Sự thật lịch sử quá rõ ràng và vô cùng thuyết phục. Cách nhìn nhận phi lý, phản khoa học, những luận điệu sai trái, lập lờ đánh lận con đen của họ không thể lừa bịp được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và những người Việt Nam chân chính.

Hơn thế, tinh thần đại đoàn kết, sự thống nhất đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần đoàn kết, sự thống nhất đã trở thành một trong những nét đẹp trong văn hóa dân tộc. Nét đẹp ấy càng được khẳng định trong thời đại Hồ Chí Minh toàn thể dân tộc Việt Nam là một. Có thể nói cách mạng Tháng Tám năm 1945 là đỉnh cao tỏa sáng rực rỡ của sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

"Nước mất thì nhà tan", mỗi người dân Việt Nam luôn nhận thức rõ, ý thức sâu sắc điều này và tinh thần ấy luôn thường trực trong mỗi người con nước Việt. Từ thực tiễn lịch sử, nhân dân Việt Nam từng tổng kết, đúc rút, chỉ khi nào có sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, thì khi ấy mới tập hợp phát huy được sức mạnh nội lực của đất nước, mới xây dựng và bảo vệ nước nhà được hòa bình, thịnh vượng. Cũng chính trên nền tảng ấy mà nhân dân ta đã không cam chịu thân phận, kiếp đời nô lệ, một lòng đi theo Đảng, triệu người như một quyết vùng lên giành độc lập, tự do cho dân tộc, giành địa vị làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh cho mình. 

Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng tuyệt vời của sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó cần phải khẳng định, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và thành công gắn với vai trò lãnh đạo của Việt Minh, của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chúng ta không phủ nhận vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, trong đó có giai cấp nông dân. Nhưng cần phải nhớ rằng, sự nhất tề vùng lên của quần chúng nhân dân nói chung, của giai cấp nông dân nói riêng không phải là "vô thức, bột phát" vì "phẫn uất" như một số tổ chức, cá nhân thù địch với Việt Nam từng xuyên tạc, mà đó là sự vùng lên có giác ngộ, được tổ chức, theo đường hướng lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, của Đảng Cộng sản Đông Dương. 

Bảy mươi sáu năm nhìn lại, chúng ta càng hiểu hơn về sự kiện vĩ đại nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX, càng thấy rõ hơn giá trị tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, của sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, của độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất. Bài học về sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Bởi chỉ khi lòng dân được quy về một mối và tất cả cùng hướng niềm tin vào Đảng - đó sẽ là sức mạnh vô địch để cả dân tộc băng qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục làm nên các kỳ tích mới trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Linh An

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu