Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:36 (GMT +7)
Bảo vệ trẻ trước nguy cơ tai nạn thương tích
Thứ 7, 02/10/2021 | 08:01:47 [GMT +7] A A
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ em, các ngành, địa phương trong tỉnh đã có những giải pháp cụ thể, huy động trách nhiệm tham gia của cả cộng đồng để tạo dựng môi trường sống an toàn cho trẻ.
Dù luôn được sự quan tâm, vào cuộc của cả cộng đồng, nhưng các vụ TNTT ở trẻ em vẫn diễn ra hằng năm. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan; có những tình huống do sự bất cẩn của người lớn, môi trường sống chưa an toàn, nhiều em còn thiếu kỹ năng an toàn... Do đó những năm qua, tỉnh liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề này, yêu cầu các ngành, địa phương thường xuyên quan tâm, triển khai những giải pháp cụ thể.
Trong đó, Sở LĐ-TB&XH được giao chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hạn chế phát sinh các vấn đề liên quan đến TNTT. Sở TT&TT có nhiệm vụ hướng dẫn các cơ quan báo chí, thông tấn tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống TNTT, phổ biến cụ thể kiến thức, kỹ năng an toàn cho trẻ em với hình thức phong phú, phù hợp với các nhóm đối tượng. Các địa phương thì chú trọng vận động đến từng tổ dân, khu phố, gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em để có biện pháp phòng ngừa tai nạn phù hợp... Qua đó, vừa xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, vừa nâng cao kiến thức cho các bậc phụ huynh, trang bị kỹ năng an toàn cơ bản cho trẻ em.
Đơn cử như với TNTT liên quan đến đuối nước, ngành Giáo dục của tỉnh đã có sự phối hợp, thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức cho học sinh các cấp học. Đồng thời các nhà trường còn chủ động mở các lớp dạy bơi trong dịp hè, đầu tư xây dựng bể bơi để học sinh được tập luyện trong giờ ngoại khóa. Đến nay, toàn tỉnh đã có 87 bể bơi tại các nhà trường và 70 bể bơi của địa phương, tư nhân (bể di động, bể lắp ghép, bể cố định...) đầu tư xây dựng để phục vụ các hoạt động thể thao dưới nước và dạy bơi cho trẻ. Đây cũng là mong muốn chung của cha mẹ học sinh, sẵn sàng đóng góp kinh phí cho con em mình được học bơi trong nhà trường với yêu cầu đảm bảo vệ sinh, an toàn. Từ việc học bơi để có kỹ năng phòng chống đuối nước, TNTT, các địa phương đã phát triển thành các phong trào rèn luyện sức khỏe, tổ chức ngày càng nhiều hơn các giải thi bơi trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, đặc biệt là vào các kỳ nghỉ hè hằng năm.
Còn trong việc phòng chống tai nạn giao thông cho trẻ, các ngành, địa phương cũng đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp phối hợp đồng bộ. Bao gồm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức Luật giao thông cho trẻ; xây dựng các mô hình tự quản do Đoàn Thanh niên, Hội CCB đảm nhận; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, học kỹ năng về chủ đề ATGT tại các trường học... Tìm hiểu tại Trường Tiểu học thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà) được biết, nhà trường đang có nhiều hình thức giáo dục về ATGT cho học sinh. Bao gồm các tiết học trải nghiệm để giúp các em tìm hiểu về biển báo, đèn tín hiệu, mũ bảo hiểm, vạch kẻ đường... Cha mẹ học sinh cũng được yêu cầu phải làm gương cho con em mình, ngay từ việc thực hiện nền nếp khi đưa đón sau giờ học: Dừng đỗ xe đúng quy định, không chen lấn để giữ cho cổng trường thông thoáng, tránh ùn tắc...
TNTT ở trẻ em còn nhiều dạng khác nhau, như: Bỏng, giật điện, bị súc vật cắn, hóc nghẹn... có nguy cơ xảy ra ở bất cứ đâu nếu người lớn chủ quan, lơ là trong quá trình chăm sóc trẻ. Do đó, thông điệp về bảo vệ an toàn cho trẻ luôn được quan tâm đẩy mạnh qua các năm. Để triển khai các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1248/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND, ngày 23/8/2021, “Về việc thực hiện Chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh”. Trong đó, đề ra 3 mục tiêu, 16 chỉ tiêu kiểm soát, giảm thiểu tình hình TNTT trẻ em trên tất cả các loại hình TNTT; đồng thời triển khai, nhân rộng các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Chương trình đưa ra mục tiêu vào năm 2030 giảm tỉ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 500/100.000 trẻ em; giảm tỉ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 5/100.000 trẻ em. Hằng năm, giảm 5-10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. 15.000 trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn vào năm 2030...
Chương trình cũng phấn đấu có 95% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ, 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2030. 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2030. 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thu thập thông tin, dữ liệu về tai nạn, thương tích trẻ em.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm và nhân rộng việc triển khai chương trình hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, dạy bơi an toàn cho trẻ em.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()