Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:46 (GMT +7)
Bảo vệ trẻ em trong đại dịch Covid-19
Thứ 6, 16/07/2021 | 12:30:17 [GMT +7] A A
Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021 diễn ra trong bối cảnh cả nước đồng lòng, chung tay chống dịch. Vì vậy, Tháng hành động Vì trẻ em năm nay được phát động với chủ đề Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh nhằm truyền thông nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch; hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ở một số địa phương, nhiều trẻ em bị nhiễm Covid-19 phải cách ly tập trung, xa gia đình, bố mẹ, để phòng, chống dịch bệnh lây lan. Bên cạnh các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, các em còn có nguy cơ cao sang chấn, khủng hoảng tâm lý.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc sáng 29/5 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bàn về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, hiện có khoảng 6% số trường hợp phải cách ly F1 là trẻ em. Trong đó có hơn bốn nghìn trẻ em thuộc diện F0 và F1. Số liệu này có thể sẽ nhiều lên khi số lượng người cách ly tại KCN, KCX vẫn tăng. Bên cạnh đó, mỗi khi hè đến, số trẻ em bị tai nạn, thương tích (TNTT), bị thiệt mạng do đuối nước tăng cao.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn, phòng, chống TNTT, tai nạn đuối nước trẻ em, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang tích cực triển khai kịp thời, quyết liệt các giải pháp để bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giảm thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và bị tổn hại do TNTT.
Ngày 29/5/2021, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định số 623/QĐ-LĐTBXH về việc hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19. Định mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, tất cả trẻ em từ 0 đến 16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung và phải cách ly y tế tập trung theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức hỗ trợ 80 nghìn đồng/ngày/cháu trong 21 ngày áp dụng từ 27/4 đến 31/12/2021. Nguồn kinh phí hỗ trợ này được lấy từ nguồn của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trên cơ sở vận động gây quỹ và tích lũy năm 2021.
Bộ LĐTBXH cũng đã có Công điện số 04/CĐ-LĐTBXH ký ngày 1/6, gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 và phòng, chống TNTT, đuối nước trẻ em trong mùa hè. Theo đó, để chủ động ứng phó, Bộ LĐTBXH đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai Quyết định số 623/QĐ-LĐTBXH. Cùng với đó, sử dụng nguồn lực địa phương, vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ kinh phí, đồ dùng thiết yếu và tăng cường dinh dưỡng cho số trẻ em với phương châm không một trẻ em nào rơi vào hoàn cảnh khó khăn do đại dịch mà không được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời.
Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng tại các địa phương đẩy mạnh triển khai các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo đảm an toàn, phòng, chống lây nhiễm Covid-19, phòng, chống xâm hại trẻ em ở gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, khu công nghiệp và các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội. Tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh và phòng, chống đuối nước trẻ em.
Các sở LĐTBXH cần liên hệ với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để tổ chức tham vấn, tập huấn trực tuyến dành cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh tại các điểm cách ly tập trung và các cơ sở giáo dục có học sinh cách ly tại gia đình về những nội dung an toàn cho trẻ em, chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly, giải quyết tình huống khẩn cấp về bảo vệ trẻ em. Khi có các vấn đề phát sinh hoặc trường hợp khẩn cấp liên quan đến đối tượng trẻ em cần chủ động báo cáo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và Bộ LĐTBXH để có giải pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Tại địa phương, cần nâng cao và phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục thực hiện việc phân công bàn giao, quản lý, giám sát trẻ em trong thời gian nghỉ hè hoặc không đến trường do thực hiện giãn cách xã hội. Tổ chức vận động các hộ gia đình cam kết trách nhiệm xây dựng ngôi nhà an toàn, thường xuyên quan tâm trông giữ, giám sát, bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo viên và hướng dẫn viên dạy bơi; vận động các gia đình chủ động đưa trẻ em đi học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Tăng cường phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống TNTT, chống đuối nước trẻ em. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống TNTT, tai nạn đuối nước trẻ em.
Chỉ đạo xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các vụ việc TNTT, đuối nước gây tử vong trẻ em. Đồng thời, duy trì, phát triển, nhân rộng các mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng ngừa, giảm tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức. Khuyến khích, biểu dương, nhân rộng những mô hình, điển hình, những sáng kiến tốt trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và đóng góp nguồn lực cho trẻ em.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()