Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:23 (GMT +7)
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái biển
Thứ 5, 15/12/2022 | 13:43:41 [GMT +7] A A
Nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thời gian qua nhiều biện pháp tuyên truyền, xử lý, ngăn chặn hành vi đánh bắt tận diệt đã được các lực lượng chức năng và chính quyền các cấp của Quảng Ninh triển khai. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng khai thác thủy sản mang tính tận diệt vẫn tiếp tục tái diễn với hình thức ngày càng tinh vi. Việc làm này không chỉ gây tổn hại cho nguồn lợi thủy sản, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, sinh kế của hàng nghìn người dân.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về tăng cường quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Quảng Ninh, cùng với lực lượng chức năng, BĐBP tỉnh đã và đang tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng công cụ cấm để khai thác thủy sản. Đêm 7/11 vừa qua, trên vùng biển Vĩnh Thực (TP Móng Cái) trong quá trình tuần tra kiểm soát, Hải đội 2 (BĐBP tỉnh) đã phát hiện, bắt giữ 5 phương tiện khai thác thủy sản trái phép, trong đó có 1 phương tiện không biển kiểm soát do Hoàng Văn Định (trú tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển. Rạng sáng 8/11, tại vùng biển huyện Vân Đồn, Hải đội 2 cũng phát hiện, bắt giữ 3 phương tiện vi phạm khác. Các phương tiện này đều có hành vi sử dụng lưới cào khai thác sò nhám. Đây là hành vi gây tổn hại nghiêm trọng bề mặt đáy biển, hủy hoại môi trường sống của thủy sản. Đơn vị đã lập biên bản, yêu cầu chủ phương tiện vi phạm thả toàn bộ số sò nhám đã khai thác và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý phương tiện vi phạm theo quy định.
Chỉ tính riêng trên vùng biển Vĩnh Thực (TP Móng Cái), thời gian qua các đồn biên phòng trên tuyến và Hải đội 2 đã liên tục phát hiện, bắt giữ, xử lý các phương tiện tàng trữ ngư cụ cấm, có hành vi đánh bắt thủy sản tận diệt… Đại úy Nguyễn Xuân Hòa, Phó Trạm trưởng Trạm BP Mũi Ngọc, Đồn BP Trà Cổ (TP Móng Cái), cho biết: Ngoài việc lợi dụng đêm tối, sương mù, các đối tượng còn cử người theo dõi lực lượng chức năng. Khi lực lượng chức năng đi tuần tra, kiểm soát thì sẽ thông báo cho chủ phương tiện vi phạm nên rất khó khăn trong việc kiểm tra xử lý. Do đó, chúng tôi đã thường xuyên phối hợp với các tổ đội trên biển tuần tra kiểm soát, đặc biệt là vào ban đêm. Thông qua tin báo của nhân dân triển khai vây bắt, quay phim, chụp ảnh làm căn cứ xử lý.
Có thể thấy, công tác đấu tranh với vấn nạn khai thác thủy sản tận diệt luôn gặp nhiều khó khăn, do các phương tiện vi phạm thường tìm đủ mọi cách để trốn tránh việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng. Nhưng với quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trên biển, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn đóng quân, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển tập trung vào cuộc quyết liệt, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả, xử lý đúng quy trình, làm việc đúng chức trách, xử phạt đủ sức răn đe và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho CBCS cũng như người dân khi thực thi nhiệm vụ...
Từ đầu năm đến nay, BĐBP tỉnh và các lực lượng chức năng khác đã phát hiện, xử lý gần 700 trường hợp vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu nộp NSNN trên 5,6 tỷ đồng. Theo trung tá Dương Minh Đại, Hải đội phó Hải đội 2, đối với công tác đấu tranh, phòng chống đánh bắt thủy sản trái phép, bà con ngư dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Thông qua đường dây nóng, điện thoại, bà con đã thông báo cho lực lượng BĐBP kịp thời xử lý các chủ tàu vi phạm.
Cùng với quyết liệt kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp khai thác thủy sản trái phép, tận diệt, các cấp, ngành, địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân. Nhiều ngư dân đã thay đổi, trở thành “tai mắt”, là cánh tay nối dài của lực lượng chức năng trong cuộc đấu tranh, phòng chống khai thác thủy hải sản trái phép…
Chống đánh bắt thủy sản trái phép, trong đó có các hành vi khai thác tận diệt là nỗ lực chung của ngư dân và chính quyền, trước mắt sẽ góp phần gỡ "thẻ vàng" do Ủy ban châu Âu cảnh báo với ngành thuỷ sản Việt Nam. Về lâu dài, sẽ bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, bảo vệ sinh kế lâu dài cho bà con ngư dân của tỉnh. Qua đó góp phần hiện thực hóa các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()