Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:38 (GMT +7)
Bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử
Thứ 6, 25/08/2023 | 06:06:06 [GMT +7] A A
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mua sắm trực tuyến (online) đã trở thành xu hướng phổ biến của thị trường khi mức độ tiếp cận công nghệ của người dân ngày một gia tăng. Thông qua các thiết bị điện tử được kết nối internet, người tiêu dùng có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi mà không bị hạn chế về không gian và thời gian. Tuy nhiên bên cạnh nhiều tiện ích, việc mua sắm online cũng chứa nhiều rủi ro. Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan.
Theo thông tin từ Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, hiện nay ngoài việc người dân mua hàng trực tuyến trên các trang TMĐT bán hàng uy tín như: shopee, lazaza, tiki, posmart… thì trên các trang mạng xã hội cũng đang xuất hiện rất nhiều hình thức bán hàng trực tuyến với các sản phẩm được quảng cáo hạ giá, chất lượng tốt được nhiều người dân quan tâm và đặt mua. Tuy nhiên, khi nhận hàng, cũng đã có không ít trường hợp người tiêu dùng phải nhận “trái đắng” khi hàng không như quảng cáo ban đầu. Hoặc người tiêu dùng nhận được hàng nhái các nhãn hiệu lớn.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, phường Hồng Gai, TP Hạ Long, chia sẻ, anh truy cập vào một số trang bán hàng trực tuyến để xem sản phẩm. Trao đổi với người bán, họ nói có thể đổi trả hàng nếu nhận sản phẩm không ưng ý. Thấy lượt yêu thích, bình luận trên trang bán hàng tương đối cao, anh Tuấn Anh tin tưởng đặt mua. Thế nhưng hàng nhận được hoàn toàn không giống như hình ảnh quảng cáo. Nhắn tin cho shop thì phát hiện tài khoản của mình đã bị chặn.
Cùng chung ý kiến, chị Nguyễn Thị Hà, phường Hồng Hải, TP Hạ Long cho biết: Hàng trên mạng nhìn rất đẹp, nhưng khi nhận không ít sản phẩm là hàng kém chất lượng, còn không có bảo hành. “Treo đầu dê bán thịt chó” là thực trạng bán hàng của rất nhiều shop online hiện nay. Nhiều lần nhận hàng, chất lượng không đúng như quảng cáo, tôi đã mất niềm tin vào mua hàng online.
Trước thực trạng trên, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật liên quan đến các quyền cơ bản của người tiêu dùng. Hàng năm, hội đều thực hiện tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức về tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho hội viên và doanh nghiệp; tích cực hưởng ứng tham gia cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, tham gia kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước về những chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng với đó, để đảm bảo tốt nhất cho việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Công thương, Cục Quản lý Thị trường tỉnh đã phối hợp cùng với các lực lượng chức năng kịp thời kiểm tra các hoạt động kinh doanh trực tiếp, kinh doanh trực tuyến với tất cả các mặt hàng trên địa bàn tỉnh liên quan đến đảm bảo về ATVSTP, hàng giả, hàng nhái và chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh không lành mạnh, đầu cơ, trục lợi...
Đặc biệt, để theo kịp xu hướng phát triển, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đạt kết quả cao, mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 148/KH-UBND về thực hiện Đề án chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, như: Kết nối, chia sẻ thông tin tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; phát triển hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn thông tin phục vụ công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử (sàn giao dịch thương mại điện tử, hệ thống thông tin giao dịch điện tử, dữ liệu giao dịch điện tử, cơ chế kiểm soát hàng hóa trong giao dịch điện tử...). Song song đó, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ thực thi pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, như: Tổ chức các khoá tập huấn nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức thực thi pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; thường xuyên thực hiện công tác rà soát, đánh giá các quy định, cơ chế và hiệu quả phối hợp giữa các ngành, địa phương và đơn vị có liên quan trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; tăng cường hoạt động phối hợp, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử; trao đổi, tiếp nhận thông tin để thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.
Mặc dù đã có nhiều động thái tích cực, song trên thực tế, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến vẫn chưa thể theo kịp được nhu cầu phát triển. Bởi vậy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, chính người tiêu dùng cần phải tỉnh táo để tránh gặp phải những trường hợp không mong muốn khi mua hàng online, nhất là nên lựa chọn những sàn TMĐT uy tín, có cam kết cung cấp hàng hóa chính hãng, có chính sách đổi trả, bảo hành rõ ràng. Đồng thời người tiêu dùng cần hiểu rõ và có thỏa thuận theo yêu cầu của mình trước khi đặt hàng. Nếu có vấn đề trong khi giao dịch ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, người tiêu dùng cần có ý kiến, liên hệ phản ánh đến các cơ quan chức năng, như: Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh để được hỗ trợ, giải quyết. Nếu nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, người dân trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()