Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:17 (GMT +7)
Bảo vệ môi trường theo cách của phụ nữ
Chủ nhật, 12/05/2024 | 11:41:07 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, các phong trào, hoạt động của phụ nữ Quảng Ninh đã có nhiều đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Trong đó, phải kể đến những mô hình về bảo vệ môi trường, giảm thiểu và tái chế rác thải đang ngày càng được nhân rộng từ khắp các địa bàn cơ sở.
Mô hình “Biến rác thải nhựa thành tiền” do Chi hội phụ nữ khu 5B (phường Quang Trung, TP Uông Bí) đang triển khai là một cách làm hay góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của hội viên phụ nữ và người dân nơi đây. Nhờ những đôi bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ, cùng sự sáng tạo không ngừng, trong gần một năm qua, từ những chiếc dây đai buộc gạch bị bỏ đi ngoài công trường, chị em phụ nữ chi hội đã chế tạo ra các sản phẩm hữu ích trong cuộc sống như: chổi quét sân, sọt đựng rác văn phòng, giỏ đựng, làn đi chợ…
Bà Nguyễn Thị Bình, khu phố 5B (phường Quang Trung, TP Uông Bí) chia sẻ: Nhiều hội viên phụ nữ trên 80 tuổi nhận thấy lợi ích của mô hình nên tham gia rất nhiệt tình. Số tiền trên 100 triệu đồng thu được từ mô hình này trong suốt 3 năm qua được chi hội chúng tôi hỗ trợ những hội viên phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao, tham quan học tập cho chị em.
Còn tại khu 1 (phường Yên Thanh, TP Uông Bí), gần 3 năm nay, việc thu gom, phân loại rác mang đi gửi và rút tiền đã trở thành thói quen của người dân. Sắt vụn, bìa giấy, vỏ nhôm, chai nhựa... được cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong khu thu gom, phân loại, tập hợp lại để gửi vào “Ngân hàng rác” của Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh. Xe chở rác của Công ty đến tận khu dân cư thu mua, thuận tiện lại có hiệu quả kinh tế nên các hộ dân đều rất ủng hộ, hưởng ứng mô hình này.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, khu 1 (phường Yên Thanh, TP Uông Bí) cho biết: Mỗi tháng, chị em phụ nữ ở đây bán được khoảng 1,5 tấn rác, đổi được khoảng 2 triệu đồng. Chương trình “gửi rác - rút tiền” đang được triển khai rộng rãi tại TP Uông Bí, giúp người dân hình thành thói quen phân loại rác thải ngay trong sinh hoạt gia đình, từ đó có ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn.
Những hành động nhỏ đã tạo nên chuyển biến lớn. Việc các hội viên phụ nữ trong tỉnh tích cực đẩy mạnh hoạt động, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, lan tỏa lối sống xanh... đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo diện mạo khang trang và văn minh cho các địa phương.
Như với mô hình xử lý rác thải sinh hoạt, rác hữu cơ được Hội LHPN các địa phương triển khai từ năm 2018; đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 10/13 Hội LHPN cấp huyện triển khai thực hiện, thu hút 20.476 hộ gia đình tham gia, với 9.753 hố ủ, bể ủ.
Bà Nguyễn Thị Điền, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu 3 (phường Hà Phong, TP Hạ Long) cho biết: Tại khu 3 chúng tôi, đến nay 80% hộ gia đình đã biết và thường xuyên phân loại chất thải tại nhà. Và việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình đã và đang được hội viên phụ nữ ở cơ sở triển khai thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, tác động tích cực đối với đời sống xã hội, giảm thiểu tổng lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác.
Để tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, hiện nay, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình hiện có về bảo vệ môi trường do Hội LHPN chủ trì, vận động 100% gia đình hội viên phụ nữ tham gia mô hình “Biến rác thành tiền” gắn với phong trào bảo vệ môi trường ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Phấn đấu đến hết năm 2025, 100% hộ gia đình hội viên phụ nữ cam kết tự nguyện, tự giác, thường xuyên thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình.
Từ sự vào cuộc với tinh thần đầy trách nhiệm và sáng tạo, sôi nổi của các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh, những chuyển biến về nhận thức và hành động vì môi trường ngày càng được đẩy mạnh, các phong trào thi đua, cuộc vận động của tổ chức Hội về tham gia bảo vệ môi trường đã thực sự được lan tỏa, tác động tích cực đến môi trường, cuộc sống xanh.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()