Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:19 (GMT +7)
Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học
Thứ 7, 15/04/2023 | 15:28:52 [GMT +7] A A
Xác định công tác bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, mang lại kết quả tích cực.
Tỉnh đã tập trung triển khai Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và đảm bảo theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ môi trường, lồng ghép vào công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, như: Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 12/3/2018) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022”; Quy hoạch đưa hoạt động nuôi trồng thủy sản ra vùng đệm và vùng phụ khu bảo tồn, khu di sản. Mới đây là Nghị quyết 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030”... Tỉnh cũng triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định gắn với công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh...
Song song với đó, tỉnh tiếp tục cải tạo hành lang sinh thái ven biển, tập trung triển khai các dự án cải tạo và phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn ven biển và điều tra tài nguyên biển; phục hồi và phát triển hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển tại vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - Đảo Trần; từng bước thả rạn nhân tạo, phấn đấu trồng phục hồi thêm khoảng 30-50ha đến năm 2030.
Đồng thời, tỉnh cũng đã hoàn thiện Quy hoạch Khu bảo tồn biển Cô Tô, Đảo Trần, Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui, Tiên Yên; thiết lập bãi rạn với 510 cấu kiện bê tông và tạo dựng bãi rạn nhân tạo để trồng cấy san hô tạo dựng bãi rạn nhân tạo vùng biển đảo Cô Tô; triển khai 6 nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen ngán, sá sùng, tu hài, ốc đĩa, cá tráp vây vàng. Các địa phương trong tỉnh nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thống kê từ năm 2018-2022, trên địa bàn tỉnh đã thả hơn 35 triệu con giống thủy sản về môi trường tự nhiên. Đặc biệt, trong năm 2022 tại đảo Tuần Châu (TP Hạ Long) diễn ra lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản do Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam), Bộ Nông nghiệp, nông thôn (Trung Quốc) đồng chủ trì. Tại buổi lễ đã thả hơn 8 triệu con giống có giá trị kinh tế cao, như: Cua xanh, tôm sú, cá song, cá vược... Đây là những hoạt động góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phát triển nghề cá trong khu vực vịnh Bắc Bộ, qua đó góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai bộ và người dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 1/4 (1959-2023), nhiều địa phương có biển của tỉnh cũng đồng loạt tổ chức thả giống thủy sản ra môi trường biển. Riêng lễ thả giống thủy sản tại cảng Cái Rồng (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) do Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Vân Đồn tổ chức, đã có 2,3 triệu con giống thủy sản được thả, gồm nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như: Cá vược, cá giò, cá song, tôm thẻ, đối mục... Cùng với đó, thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU (ngày 10/8/2021) của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, các địa phương trong tỉnh đãng tích cực chỉ đạo chuyển đổi phao xốp sang vật liệu hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương, lập lại trật tự trong nuôi trồng thủy sản, đảm bảo phát triển bền vững.
Hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản của tỉnh góp phần phát huy nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường tự nhiên; duy trì các loại giống đang có nguy cơ cạn kiệt, phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững. Tính riêng quý I/2023, sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 37,5 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ 2022, tăng 13% so với kịch bản, trong đó: Khai thác 19 nghìn tấn, nuôi trồng thủy sản 18,5 nghìn tấn. Tổng diện tích nuôi trồng trên địa bàn tỉnh đạt 32.092ha; có 15 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Công bố hợp quy cho 15 đơn vị sẵn sàng, cung ứng vật liệu nổi cho người nuôi, tỷ lệ chuyển đổi vật liệu nổi đạt 50%.
Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai hiệu quả các dự án bảo tồn khai thác bền vững, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, như: Dự án Khu bảo tồn động thực vật Soi Sim trên vịnh Hạ Long; mô hình dự án thí điểm nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với du lịch có trách nhiệm trên vịnh Hạ Long. Mô hình này được phát triển thành sản phẩm du lịch gắn với hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng. Cùng với đó là mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã kết hợp cùng người dân tham gia các hoạt động trải nghiệm cảnh quan tự nhiên, văn hóa tại khu vực Cửa Vạn và Ba Hang; mô hình bảo tồn các loài thực vật quý trên vịnh Hạ Long.
Để phát triển và mở rộng hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên và các danh hiệu quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, UBND tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị hợp tác thống nhất chỉnh sửa hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Ngoài ra, công tác bảo tồn loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm cũng được tăng cường. Các ban quản lý khu bảo tồn di sản thiên nhiên thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, giám sát hệ sinh thái rừng ngập mặn, sinh thái rừng, rạn san hô... để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp xử lý các hành vi xâm hại đến các giá trị đa dạng sinh học. Riêng trong năm 2022, Ban Quản lý vịnh Hạ Long tổ chức 23 lượt giám sát đa dạng sinh học đối với các hệ sinh thái điển hình của vịnh Hạ Long; 146 lượt tuần tra kiểm soát trên vịnh. Qua đó, đã phát hiện và xử lý 54 vụ vi phạm thủy sản làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái dưới nước. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long thực hiện trên 400 lượt tuần tra, kiểm soát ngăn chặn kịp thời nhiều đối tượng có hành vi đặt bẫy thú rừng, khai thác cây cảnh, đánh bắt thủy sản trái phép trong ranh giới quản lý...
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()