Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:33 (GMT +7)
Bảo vệ mắt của con khi học online
Thứ 3, 07/09/2021 | 10:07:26 [GMT +7] A A
Trẻ em phải học tập trực tuyến, làm tăng đột biến thời lượng mắt phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho mắt.
Muôn kiểu học online
Anh Phan Nghĩa (37 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể, gần một năm nay, con trai anh là bé Phan Anh - lớp 3A12 Trường tiểu học Lê Quý Đôn đã quá quen với việc học trực tuyến thông qua thiết bị điện tử.
Theo anh Nghĩa, việc tiếp xúc với máy tính liên tục trong thời gian dài có ảnh hưởng rất lớn đến thị lực của trẻ. Bé Phan Anh trong thời gian học online luôn có hiện tượng mỏi mắt, mỏi lưng và việc học không được tập trung.
Không muốn con phải nhìn quá lâu vào màn hình máy tính, anh Nghĩa đã áp dụng giải pháp chia sẻ màn hình máy tính lên ti vi có màn hình lớn. Với hình thức kết nối này, hình ảnh từ màn hình học trực tuyến sẽ được truyền lên ti vi, con vẫn có thể học qua màn hình lớn, loa lớn, dễ nghe và không hại mắt. Ti vi được đặt ở phòng khách nên cũng dễ quản lý và hỗ trợ con khi học hơn.
Để cho mắt có thời gian thư giãn, anh Nghĩa cũng khuyến khích con sau mỗi tiết nên giải lao, bé có thể rời khỏi vị trí ngồi học, đi lại ra ngoài thư giãn thoải mái đầu óc. Đồng thời, bổ sung vitamin A, C, cho con ăn thêm nhiều loại hoa quả, sử dụng thuốc nhỏ mắt khi bé có hiện tượng mỏi mắt.
Bé Phan Anh – lớp 3A12 Trường tiểu học Lê Quý Đôn được bố áp dụng cách chia sẻ màn hình máy tính lên ti vi có màn hình lớn giúp thuận tiện hơn rất nhiều trong việc học |
Chị Đỗ Tuyết Mai (38 tuổi, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể, hai vợ chồng chị đều là những người khá khắt khe, nghiêm túc trong việc dạy dỗ con cái. Trước đây, khi chưa phải học trực tuyến, anh chị đều thống nhất hạn chế cho con sử dụng máy tính, điện thoại.
Vậy nhưng, từ khi dịch bùng phát, các trường tổ chức chương trình dạy và học trực tuyến, bé Hiểu Loan (13 tuổi - con gái chị Mai) được tự do dùng máy tính hơn. Ngoài giờ học Zoom cùng thầy cô và các bạn, bé còn dùng máy tính để xem phim. Một ngày Hiểu Loan dùng máy tính khoảng 5-6 giờ. Gần đây, bé nhìn mọi thứ xung quanh thấy khá mờ và muốn đi kiểm tra mắt để chuẩn bị cho năm học mới. Chị Mai lo lắng vì rất có thể mắt của con gái đã bị ảnh hưởng.
Không được may mắn như các phụ huynh trên, hai vợ chồng anh Lê Văn Huy (45 tuổi, ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm công nhân môi trường, kinh tế chỉ đủ trang trải sinh hoạt và gửi chút ít về quê phụng dưỡng bố mẹ già. Vì không đủ tiền sắm máy tính hay iPad cho con trai là bé Lê Văn Minh (lớp 5) nên anh chị phải vay mượn thêm ít tiền mua điện thoại thông minh phục vụ con học trực tuyến.
Thời gian đầu mới sử dụng bé còn khá lạ lẫm nhưng gần đây Minh dùng điện thoại vào việc học online trở nên thành thạo hơn nhiều. Tuy nhiên, vì màn hình điện thoại khá nhỏ nên chỉ ngồi học được một thời gian ngắn Minh kêu nhức mỏi mắt và rời bàn học đi lại quanh nhà. Thấy vậy, anh Huy vừa lo việc học của con không đảm bảo chất lượng, vừa sợ sức khoẻ con gặp vấn đề do ngồi trước điện thoại quá nhiều giờ.
Bảo vệ đôi mắt của trẻ khi học trực tuyến trong mùa dịch
Đó không chỉ là lo lắng của các bậc phụ huynh mà hầu hết tất cả các giáo viên đều đang rất lo ngại cho sức khoẻ của các con khi sử dụng thiết bị thông minh, máy tính quá nhiều trong thời gian giãn cách.
Vậy cha mẹ cần phải bảo vệ thị lực trẻ em như thế nào để trẻ không bị mệt mỏi, căng thẳng thị giác sau các chương trình học trực tuyến kéo dài hàng ngày.
ThS.BS Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Bệnh viện mắt Cao Nguyên (tỉnh Gia Lai) cho rằng, dịch COVID-19 đã khiến cho rất nhiều người, nhất là trẻ em phải học tập trực tuyến, làm tăng đột biến thời lượng mắt phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho mắt.
Trẻ em phải học tập trực tuyến, làm tăng đột biến thời lượng mắt phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho mắt |
Bác sĩ nói: “Khi học trực tuyến, việc trẻ phải ngồi tại chỗ tiếp cận với sách vở, các thiết bị điện tử như điện thoại di động thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablets), máy tính xách tay (laptop) hay máy tính để bàn (PC) đều bị ảnh hưởng ít nhiều đến mắt của trẻ (như có thể gây mỏi mệt mắt, lâu ngày dẫn đến cận thị từ nhẹ đến nặng, thoái hóa võng mạc, lác,… do nhìn gần quá lâu cũng như do tác hại của ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử”.
Theo bác sĩ Lành, để tránh gây hại cho mắt, cha mẹ cần phải lưu ý: Bàn ghế phải phù hợp với chiều cao của bé (nên lựa chọn bàn ghế có thể điều chỉnh được). Khi ngồi đọc sách/viết chữ trẻ cần giữ tư thế ngay ngắn, lưng thẳng, cổ thẳng,… để tránh bị vẹo cột sống, gù lưng, mỏi cổ, mỏi mắt.
Cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen tạo 1 khoảng cách giữa mặt với bàn học: từ 25-35 cm, (tỷ lệ theo tuổi). Nơi bàn học phải có đủ ánh sáng khoảng 100 lux (tương đương ánh sáng ngày), nên sử dụng loại đèn bàn chống cận thị, ánh sáng đèn không nên chiếu trực tiếp hay phản chiếu vào mắt (nếu trẻ viết tay phải thì ánh sáng nên được chiếu một góc khoảng 45 độ (so với mặt phẳng bàn) từ phía trái sang phải và ngược lại nếu cháu viết tay trái) và cũng nên chọn loại sách vở sử dụng chất liệu giấy chống chói.
Bác sĩ cũng lưu ý, nếu sử dụng thiết bị điện tử để học online thì không nên chọn điện thoại hay máy tính bảng vì những thiết bị này nhỏ, khó nhìn, khó thao tác, phải nhìn gần hơn nên dễ dẫn đến mỏi mệt mắt nhanh hơn. Nên sử dụng laptop hay máy tính để bàn và giữ cho mắt cách giữa mắt và màn hình khoảng 50-60 cm. Và tốt nhất nếu có thể là kết nối máy tính lên màn hình ti vi và ngồi đúng khoảng cách (gấp 4 lần chiều dài đường chéo của ti vi).
Thời gian sử dụng mắt liên tục (để đọc, viết hay sử sụng các thiết bị điện tử) mỗi lần không quá 45 phút và mỗi ngày không quá 2 tiếng. Trong lúc học, thỉnh thoảng nên có thư giãn mắt ngắn nếu được (nhắm mắt hoặc nhìn ra xa ít nhất vài giây).
Thời gian nghỉ ngơi giữa các lần học 10-15 phút và trong thời gian này nên ra ngoài vận động vừa phải, nhìn xa đặc biệt là nhìn vào cây xanh.
Chuyên gia khuyến cáo, việc sử dụng dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là các loại rau củ quả, cá để bổ sung vitamin A, C, E, khoáng chất, axit béo Omega-3 cũng sẽ giúp chống mỏi mắt, chống thoái hóa võng mạc, hạn chế bị cận thị. Trường hợp bé có cơ bị cận cao, có thể bổ sung thực phẩm chức năng bổ mắt.
Nên khám mắt định kỳ cho trẻ 3-6 tháng một lần để kịp thời phát hiện cũng như xử trí sớm các bệnh về mắt. Sau những tiết học, trẻ nên có những hoạt động thư giãn, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời.
ThS.BS Nguyễn Văn Lành thông tin thêm, nhiều năm trở lại đây, bệnh viện mắt Cao Nguyên thường xuyên tiếp nhận các trẻ bị bệnh mắt đặc biệt là bị cận thị học đường. Tất cả các trường hợp đều được khám và tư vấn kỹ. Nhiều trường hợp đến sớm trong giai đoạn chỉ rối loạn điều tiết, giả cận thị hay cận nhẹ, thì đều được dùng thuốc uống, nhỏ mắt, cũng như tư vấn cho bố mẹ các cháu về cách sinh hoạt mắt, chế độ ăn uống, khám mắt định kỳ và phòng chống bệnh cận thị.
Hầu như trẻ đến trong giai đoạn sớm này đều được chữa khỏi. Những trường hợp còn lại không khỏi hoặc đỡ hơn sau dùng thuốc thì sẽ tư vấn cắt kính đeo phù hợp, dùng thuốc, khám định kỳ cũng như các chế độ sinh hoạt, chăm sóc mắt đúng cách.
Theo phunuonline.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()